Hội nghị Thi đua yêu nước lần thứ II, giai đoạn 2010 - 2015

Hội nghị Thi đua yêu nước lần thứ II, giai đoạn 2010 - 2015
Ngày 15/6/2015 Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) long trọng tổ chức Hội nghị Thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II tại Hà Nội.

Trong không khí thi đua sôi nổi của nhân dân cả nước lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; 70 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngày lễ trọng đại khác của đất nước, ngày 15/6/2015 Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) long trọng tổ chức Hội nghị Thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II tại Hà Nội.

Đây là dịp để NHCSXH biểu dương thành tích của các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; đồng thời tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm về đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua, về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thành cao trào thi đua sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục, quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian tới.

Trong 12 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức quản trị đặc thù phù hợp với điều kiện, đặc điểm nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hoá hoạt động của NHCSXH. Mô hình hoạt động của NHCSXH được xây dựng và ngày càng hoàn thiện ở 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện theo hướng tập trung sự quản lý thống nhất ở Trung ương, tinh giản các khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. NHCSXH đã tổ chức bộ máy quản trị gồm Hội đồng quản trị (HĐQT) ở cấp Trung ương với 14 thành viên, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT; ở các tỉnh, huyện đều có Ban đại diện HĐQT thực hiện chức năng chỉ đạo, giám sát việc triển khai chính sách dưới cơ sở. Bộ máy điều hành tác nghiệp, ngoài Hội sở chính, còn có 63 chi nhánh tỉnh, thành phố, 626 Phòng giao dịch cấp huyện, 10.904 Điểm giao dịch tại xã và hơn 199.603 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, NHCSXH cũng chú trọng hoàn chỉnh các quy trình nghiệp vụ, đầu tư hiện đại hóa tin học phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách. NHCSXH đã xây dựng, hoàn chỉnh các quy trình quản lý điều hành, quy trình nghiệp vụ vừa quản lý vốn tín dụng chính sách hiệu quả vừa đơn giản thủ tục cho người vay vốn. Ngân hàng đã xây dựng và thực hiện thành công hoạt động giao dịch phục vụ tại địa bàn cấp xã, đến nay đã tổ chức được 10.904 Điểm giao dịch tại xã (phường, thị trấn)/11.162 xã (phường, thị trấn) giúp tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại và thời gian cho người dân.

NHCSXH đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt trên 140.869 tỷ đồng, tăng hơn 130.344 tỷ đồng so với khi thành lập, tăng gần 50.469 tỷ đồng so với năm 2010 (tỷ lệ tăng 55,8%). Mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nhìn chung, nguồn vốn tín dụng thời gian qua đã đáp ứng tương đối đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó. NHCSXH đã xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách với đối tượng phục vụ đặc thù, sáng tạo của Việt Nam.Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua hình thức: phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc chọn và chỉ ra đối tượng chính sách thụ hưởng; thực hiện dân chủ công khai trong cộng đồng dân cư; sự tham gia của 04 tổ chức hội đoàn thể chính trị-xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội được uỷ thác thực hiện một số nội dung công việc liên quan đến việc thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tổ TK&VV, bình xét hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, cùng NHCSXH đôn đốc thu hồi nợ.

Các chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH tổ chức thực hiện hiệu quả với chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Tổng dư nợ của NHCSXH đến nay đạt gần 131.848 tỷ đồng, tăng 121.500 tỷ đồng so với khi thành lập, tăng 42.387 tỷ đồng so với năm 2010 (tỷ lệ tăng 47,4%). Hơn 97% dư nợ của NHCSXH tập trung vào 7 chương trình tín dụng chính sách trọng tâm là: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Hiện có gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với dư nợ bình quân hơn 19 triệu đồng/khách hàng. Tỷ lệ nợ khoanh và nợ quá hạn của NHCSXH đã giảm xuống còn 0,9%, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,46%.

Với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ NHCSXH, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, trong hơn 12 năm qua, đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH, trong đó trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; vốn tín dụng chính sách đã giúp thu hút, tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6,6 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng Sông Cửu Long... Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện, ngày 21/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40/CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó ghi nhận và đánh giá cao vai trò của NHCSXH trong việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế theo định hướng XHCN.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, NHCSXH đã tích cực triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động. Ngoài ra NHCSXH các cấp đã chủ động phát động nhiều phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề tập trung thực hiện có hiệu quả tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách như: phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập NHCSXH; phong trào thi đua thực hiện xuất sắc các chuyên đề: Kế hoạch, Kế toán, Tín dụng, Kiểm tra kiểm soát, Thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chi nhánh có chất lượng hoạt động thấp; phong trào triển khai Dự án hiện đại hóa tin học,... thi đua lập thành tích chào mừng Hội nghị Thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VII, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, và thực hiện xây dựng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong hệ thống.

Với những đóng góp quan trọng của NHCSXH trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Năm 2013, NHCSXH đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Giai đoạn từ 2010 - 2013, có 04 tập thể và 01 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 7 tập thể và 20 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 11 tập thể được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; 1 cá nhân đạt Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; 31 tập thể và 42 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 62 tập thể được tặng “Cờ thi đua của NHNN”; 121 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng”;  270 tập thể và 768 cá nhân được tặng Bằng khen của Thống đốc NHNN, của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và của các Hội, Đoàn thể Trung ương,...

Bước sang giai đoạn mới, 2015 - 2020, NHCSXH đặt mục tiêu tiếp tục phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ viên chức, người lao động trong toàn hệ thống về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của công tác thi đua - khen thưởng; nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực gắn với chuyên đề chuyên môn nghiệp vụ, khen thưởng đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch và kịp thời; chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và cá nhân có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng cũng sẽ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Xuyên suốt giai đoạn 2015 - 2020, nội dung phong trào thi đua của NHCSXH sẽ tập trung vào phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với phương châm hành động “KỶ CƯƠNG - TẬN TỤY - ĐOÀN KẾT - HIỆU QUẢ, và thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát huy kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, NHCSXH quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước./.

MỚI - NÓNG