“Hội nghị Diên Hồng” hay lại... đánh trống bỏ dùi?

Bóng đá Việt Nam liệu có thay đổi sau Hội nghị Diên Hồng vào tháng 12 tới? Ảnh: VSI
Bóng đá Việt Nam liệu có thay đổi sau Hội nghị Diên Hồng vào tháng 12 tới? Ảnh: VSI
TP - Tháng 12 tới, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) sẽ tổ chức hội nghị về phát triển bóng đá Việt Nam, được gọi là “Hội nghị Diên Hồng” về bóng đá với mục đích tìm ra lối thoát để cứu môn thể thao vua. Không ít ý kiến lo ngại về tính hiệu quả, thực chất của hội nghị này.  

Lo ngại “đánh trống bỏ dùi”

Tổng cục TDTT tổ chức hội nghị này nhằm để lắng nghe những đóng góp, phản biện về tình hình thực tại của bóng đá Việt Nam cũng như hướng phát triển trong tương lai.

Khách mời của “Hội nghị Diên Hồng” bao gồm đại diện của các CLB chuyên nghiệp ở V-League, hạng Nhất. Ngoài ra, các chuyên gia bóng đá, các HLV có nhiều đóng góp trong những năm qua cùng các nhà khoa học thể thao, quản lý bóng đá cũng được mời tham dự.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, không cần phải tổ chức hội nghị vì sợ sẽ theo vết xe đổ trước đây của rất nhiều hội nghị là “đánh trống bỏ dùi”, trong khi thực tế có rất nhiều việc có thể làm ngay mà không cần đến hội nghị.

“Tại sao người ta không đau đáu với những thất bại trước đây hay những việc làm mà VFF đi lệch hướng mà phải đợi đến bây giờ khi báo giới nói nặng quá và nói liên tục sau trận thua Thái Lan thì mới hô hào mở hội nghị cứu bóng đá Việt Nam. Muốn cứu bóng đá Việt Nam thì theo tôi trước hết phải tìm ra ai đã “giết” bóng đá Việt Nam trước đã...”.      

Ông Lê Thế Thọ

Đó là thay đổi thực chất đào tạo trẻ ở nhiều CLB, làm sao để các đội bóng trẻ, các giải đấu trẻ mỗi năm được đá nhiều hơn, thay vì chỉ đá khoảng 1 tháng, với trên dưới chục trận đấu từ vòng loại cho đến VCK. Đó là việc đưa bóng đá vào học đường, phát triển từ chân đế. Nếu không có điều kiện và sân bãi để chơi bóng đá sân lớn, thì vẫn có thể tổ chức bóng đá học đường dạng futsal hoặc bóng đá mini như Thái Lan, Brazil hay Tây Ban Nha vẫn làm.

Theo HLV Lê Thụy Hải, thời điểm này mới tổ chức hội nghị về bóng đá thì rõ ràng chỉ mang tính chất tình thế. “Nó đến vào lúc bóng đá Việt Nam đi xuống quá rồi, đặc biệt là sau trận thua Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018”, ông Hải cho biết.

Vấn đề của bóng đá Việt Nam là đã có rất nhiều người, nhiều ý kiến đóng góp rất hay và rất tâm huyết cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong suốt nhiều năm qua nhưng phần lớn không được VFF tiếp nhận. Vì vậy ông Lê Thụy Hải không dám đặt quá nhiều kỳ vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ chuyển mình chỉ sau một hội nghị.

Phải tìm ra người “giết” bóng đá Việt Nam

Ông Lê Thế Thọ, cầu thủ vàng bóng đá Việt Nam 50 năm cũng là một trong những giảng viên bóng đá Việt Nam có bằng quốc tế đầu tiên và từng giữ chức Tổng thư ký VFF khóa I, quyết liệt hơn: “Nhiều người hỏi tôi là kỳ vọng gì vào cái hội nghị bóng đá để tìm giải pháp cứu bóng đá Việt Nam sắp tới và tôi trả lời ngay là không hy vọng vào điều gì cả! 

Tại sao người ta không đau đáu với những thất bại trước đây hay những việc làm mà VFF đi lệch hướng mà phải đợi đến bây giờ khi báo giới nói nặng quá và nói liên tục sau trận thua Thái Lan thì mới hô hào mở hội nghị cứu bóng đá Việt Nam. Muốn cứu bóng đá Việt Nam thì theo tôi trước hết phải tìm ra ai đã “giết” bóng đá Việt Nam trước đã”.

Khi được hỏi sẽ góp ý gì cho Tổng cục TDTT nếu được mời tham gia hội nghị, ông Lê Thế Thọ trả lời: “Tôi chỉ yêu cầu muốn thay đổi điều gì thì trước hết phải kiểm điểm những người đang làm trì trệ nền bóng đá”.

Theo ông Thọ, VFF là những người nắm định hướng bóng đá Việt Nam. FIFA khuyến cáo mỗi liên đoàn thành viên chỉ cần có 15 ủy viên BCH, trong khi số ủy viên này của VFF hiện là 23, vừa cồng kềnh tốn kém, vừa dễ nẩy sinh tình trạng “lắm thầy nhiều ma”.

“Giải quyết rốt ráo những vấn đề đấy theo đúng tinh thần của FIFA, theo đúng nền tảng của phương thức phát triển bóng đá chuyên nghiệp thì có khi cũng chẳng cần thêm một hay nhiều hội nghị. Bằng ngược lại, có tổ chức hội nghị cũng chỉ là mang tính hình thức, nói xong, góp ý xong rồi lại để đấy”, theo ông Thọ.

MỚI - NÓNG