Hỏi chuyện không cần hỏi

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hỏi chuyện không cần hỏi là có, tuy nhiên vấn đề là tỷ lệ chiếm bao nhiêu, chứ không phải là tất cả. Về việc này, thành phố cũng nhận rõ là nếu mình có thì sẽ sửa để tốt hơn, không có ý tránh trách nhiệm hay đổ lỗi…”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa thẳng thắn trao đổi, liên quan đến phát biểu mới đây của Bộ trưởng KH&ĐT về số lượng văn bản mà thành phố này gửi Bộ quá nhiều, thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố năng động nhất nước, trong gần 600 văn bản gửi Bộ hỏi ý kiến của năm 2022, ngoài những văn bản “hỏi chuyện không cần hỏi”, thì có nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn địa phương nhưng quy định pháp luật chưa có; nhiều vấn đề đã có quy định nhưng lại khác nhau ở luật này, luật kia, hoặc có cách hiểu khác nhau, do đó phải hỏi để làm rõ…

“Hỏi chuyện không cần hỏi” cũng đang là vấn đề tại thành phố Đà Nẵng. Khi mới đây, Chủ tịch UBND thành phố lớn nhất miền Trung này phải ra chỉ đạo “nóng”, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành không trình lên lãnh đạo thành phố những việc thuộc thẩm quyền của giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan. Các quận, huyện không chuyển công việc thuộc cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác, và không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến. Ngoài ra, không được lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc; Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị để né tránh trách nhiệm...

Nhìn rộng ra, sợ sai chính là “căn bệnh” hiện nay của hầu hết các địa phương. Tỷ lệ tăng trưởng GDP cả nước 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong hơn 10 năm qua, một trong những nguyên nhân, có lẽ là do sự sợ sai không chịu làm. Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5 mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng một bộ phận né tránh, lẩn tránh trách nhiệm, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm, cấp dưới đùn đẩy cấp trên…

Hóa giải nỗi sợ sai đang là yêu cầu đặc biệt quan trọng hiện nay, đòi hỏi từng địa phương cho đến mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải xốc lại đội hình, vừa có quy định cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, vừa hỗ trợ, bảo vệ những nhân tố dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, những băn khoăn mà người đứng đầu chính quyền TPHCM nêu ra, cũng hết sức cần lưu tâm. Đó là tại sao nhiều vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này, luật kia; những cái đã có quy định, nhưng cách hiểu còn khác nhau? Và ngay trong nhiều văn bản cơ quan Bộ trả lời địa phương, nhiều nội dung trả lời cũng không rõ, nếu căn cứ vào nội dung trả lời đó thì “cũng không biết sao mà làm”!

Đó chính là điều cần hỏi.

MỚI - NÓNG