Hội Cha mẹ học sinh: Biến tướng của BOT trong nhà trường

TPO - Sự nghiệp trồng người đang có biến tướng theo kiểu BOT. Đó là kiểu tận thu của Nhà trường đối với học sinh và phụ huynh học sinh.

BOT (Build-Operate-Transfer) được biết đến với ý nghĩa và bản chất tốt đẹp là xây dựng, vận hành, chuyển giao. Một kiểu kêu gọi bỏ vốn đầu tư trước để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, sau đó vận hành, kinh doanh để thu lại và cuối cùng là chuyển giao cho Nhà nước quản lý, như một hình thức Quốc hữu hoá, mà ở đó, Nhà nước, Nhân dân, Doanh nghiệp đều được lợi! 

Thế nhưng, các công trình BOT hiện nay đi ngược lại hoàn toàn với những tiêu chí ấy, đến nỗi, người dân gọi vui là: Bọn Ôn Thần. Nhắc đến BOT là người dân mặc nhiên nghĩ ngay đến lợi ích nhóm, dối trá và tận thu, phí chồng phí, thuế chồng thuế, tận thu không chừa một thứ gì.

Đó là lý do tại sao, gần đây, các công trình BOT giao thông bị phản ứng dữ dội, không phải chỉ có các bác tài là những người trực tiếp nộp phí, hay các doanh nghiệp vận tải mà là cả các Cơ quan truyền thông, cơ quan chức năng, và gần như toàn dân.

Lo mãi vấn đề BOT giao thông, mà chúng ta quên mất trong sự nghiệp trồng người cũng có sự biến tướng theo kiểu BOT như vậy, đó là muôn kiểu tận thu của Nhà trường đối với học sinh và phụ huynh học sinh.

Cứ đến dịp đầu năm học, lại rộ lên các thông tin về những khoản phụ thu, tận thu ở trường học như một sự mặc định, như luật bất thành văn, dù các khoản ấy có thể từ trên trời rơi xuống, có thể phi lý rất hiển nhiên... nhưng vẫn tồn tại rất tự nhiên mà không gặp sự phản ứng nào mạnh mẽ như kiểu bác tài dùng tiền lẻ qua trạm!

Hội Cha mẹ học sinh: Biến tướng của BOT trong nhà trường ảnh 1

Nếu gọi tận thu hay lạm thu là BOT thì BOT giáo dục được núp bóng dưới danh nghĩa là "Hội Cha mẹ học sinh" để "lách" quy định của Ngành, tức là Nhà trường không được thu các khoản ngoài qui định, mà tất cả sẽ được đẩy cho Hội Cha mẹ học sinh vận động đóng góp, gọi là đóng góp trên tinh thần tự nguyện nhưng chẳng khác nào hình thức bắt buộc, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ chăm lo cho thầy cô giáo, quỹ lớp, nhà vệ sinh, máy lạnh, bàn ghế, thiết bị giáo dục, sách vở, ngoại khoá, hay đến các hợp đồng bảo hiểm, đồng phục... tất tần tật đều được Hội Cha mẹ học sinh đứng ra vận động đóng góp. Ngoài học phí, thì hầu như Phụ huynh nào có con Em đi học đều phải "vui vẻ, tự nguyện" đóng góp ít nhất là vài ba triệu mỗi năm, thậm chí lên đến vài chục triệu mỗi năm.

Các khoản này, đều được những Đại diện của Hội Cha mẹ học sinh vận động, họ tự đưa ra mức thu rồi kêu gọi đồng ý. Mà với tâm lý của các phụ huynh thì luôn sợ rằng, nếu không đóng, con mình không bằng bạn bằng bè, bị kỳ thị, bị chê không có tiền, không bằng con người khác... nên hầu hết các Phụ huynh phải cắn răng mà đóng phí, đầu năm đóng, giữa năm đóng, cuối năm đóng, đi họp là đóng!

Nó ám ảnh đến nỗi, khi nghe đến Thư mời họp phụ huynh học sinh của Trường là chuẩn bị tiền để đóng chứ không có tâm trạng nghĩ đến thành tích của các con mình. Cũng có những Phụ huynh sĩ diện hảo, thấy người khác đóng thì mình cũng đóng, thậm chí muốn đóng cao hơn cho bằng chị bằng em theo kiểu hội chứng đám đông.

Một nền giáo dục tốt thì không thể đánh lận và gian lận mãi như vậy được, tìm mọi cách để lách quy định, để tận thu, lập ra cái Hội Cha mẹ học sinh trên danh nghĩa tốt đẹp nhưng như là một công cụ BOT của Ngành Giáo Dục. Tôi không phải không có tiền hay tiếc tiền nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, phải rõ ràng, minh bạch, như vậy mới có thể định hướng đúng cho con em chúng ta. Người lớn mà còn tìm đủ mọi cách để moi móc, gian dối thì sao dạy được con cháu?

Vả lại, đâu phải phụ huynh nào cũng dư giả, cũng có tiền chạy theo, họ vì sĩ diện, vì lo cho con không đúng cách mà cứ bám lấy và cứ phải chịu đựng...Tôi nghĩ, không cần phải cải cách chi đâu cao xa mà cần làm tốt công tác quản lý trong Ngành giáo dục, sự nghiệp trồng người mà, môi trường giáo dục phải minh bạch, rõ ràng, và giáo dục càng phải có kỷ luật, phải thượng tôn pháp luật chứ không phải nghĩ ra nhiều cách để lách luật !"

Tôi được biết, hàng năm Ngân sách chi cho ngành giáo dục là rất lớn, số tiền đó ở đâu, có đủ lo cho giáo viên, hay công tác giáo dục hay không mà phải tận thu kiểu này? Rồi bày vẽ ra cái Hội Cha mẹ học sinh để thực hiện ý đồ tận thu triệt để?

Nếu cái hội này đã bị biến chất không vì mục đích giáo dục thì cần loại bỏ, hoặc phải có những quy định chế tài để không có tình trạng "chuẩn bị tiền để đi họp Phụ huynh học sinh" như hiện nay nữa".

Đã đến lúc, nền giáo dục nước nhà cần phải cải cách thực sự, bắt nguồn từ việc xoá bỏ "tệ nạn BOT trường học" đang núp bóng danh nghĩa Hội Cha mẹ học sinh.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mọi ý kiến đóng góp, chia sẻ của bạn đọc, phản ánh thông tin về lạm thu, hiến kế để xóa bỏ vấn nạn lạm thu... xin gửi về hộp thư online@baotienphong.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.