Cho rằng lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Võ Quốc Bình đã gửi đơn tới Văn phòng Chính phủ kiến nghị dẹp bỏ hội phụ huynh.
Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email phản hồi từ Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan giải quyết.
Ông Võ Quốc Bình cho biết ông có hai người con đang học lớp 3 và lớp 8 tại TP.HCM. Trước đó, ông có nhận được thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 hỏi về xin ý kiến phụ huynh đóng góp khoản thu tự nguyện là tiền lót sàn gỗ cho lớp học.
“Thậm chí, nếu phát hiện sai phạm của nhà trường, Hội phụ huynh nên đại diện cho toàn thể phụ huynh lên tiếng để góp phần chấn chỉnh chứ không phải lại đại diện cho nhà trường như hiện nay. Vậy mà tại sao chức năng duy nhất hiện tại của nhiều Hội phụ huynh lại là quyên góp?”, ông bố đặt câu hỏi.
Bởi theo ông Bình, gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”
Ông bố Sài gòn này chia sẻ quan điểm, hàng năm, ngân sách cho giáo dục là rất đáng kể rồi, vào nhất nhì trong các ngành, giáo viên có lương, nhà trường có ngân sách.
“Vậy không hà cớ gì động đến đâu cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp như kiểu từ thiện. Đây không khác nào là một hình thức móc túi người dân”- Ông Bình nêu quan điểm.
Trước đó, khi Ban đại diện phụ huynh lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1, TPHCM đề xuất lót sàn gỗ lớp cho các bé ngủ trưa, anh Bình đã viết rõ “KHÔNG ĐỒNG Ý” vào đơn thư.
Phía lãnh đạo nhà Trường tiểu học Hòa Bình cho rằng đây là khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh nên anh Bình có quyền từ chối.
Nam phụ huynh cho biết ông viết thư kiến nghị lên Chính phủ như một người dân bình thường bày tỏ sự bức xúc.
Ông Bình cho biết ngay sau khi đề xuất của mình được chia sẻ, nhiều người nhắn tin, gọi điện bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ có một số nhỏ ý kiến cho rằng ông muốn nổi tiếng và có suy nghĩ “trẻ trâu”.
Cũng theo vị phụ huynh này, điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng GDĐT) đã quy định rõ nhiệm vụ.
Theo đó, Ban đại diện phối hợp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật.
Như vậy, trên nguyên tắc “giấy trắng mực đen”, ban đại diện cha mẹ học sinh phải vì học sinh và không hề có nhiệm vụ, chức năng “thu tiền hộ” nhà trường.
Tuy nhiên thực tế, ban đại diện cha mẹ học sinh hiện tại gần như chỉ có chức năng thu tiền, nếu vậy nên dẹp bỏ.
“Nếu giáo dục ngấm mùi tiền sẽ ảnh hưởng đạo đức của học sinh. Trường học không phải là nơi của các thói hư tật xấu, không phải là nơi của các tệ nạn”- ông Bình nêu quan điểm.