Học thật, học giả!

Học thật, học giả!
TP - Trước khi làm báo, tôi có 10 năm công tác trong ngành Giáo dục, đi về hết các huyện, thị của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Trong các chuyến công tác cơ sở, tôi có dịp về thăm nhiều địa phương vốn có truyền thống hiếu học.

Có lần, về một trường điểm của tỉnh đúng dịp tổng kết năm học, nghe một số giáo viên lắc đầu nói với nhau rằng: Đất hiếu học nên làm cha làm mẹ ai cũng thích cho con đi học. Các em học sinh cũng rất thích đi học. Nhưng đến trường thì không thích học nên chất lượng mới ngày càng sa sút!

Đừng tưởng đó là chuyện của trẻ em và là chuyện ngày xưa. Ngày nay vẫn thế. Thời nay nhiều cán bộ rất thích đi học. Học để chuẩn hoá trình độ. Học để “vũ trang toàn thân”, để củng cố địa vị, để bảo đảm các điều kiện cần và đủ trên con đường công danh.

Đi học bằng tiền của Nhà nước; đi học trong giờ hành chính ai lại không thích. Không cần biết học để làm gì, đi học có nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác sau khi ra trường hay không.

Rất phổ biến tình trạng học ngành này lại làm việc ở ngành khác. Thiên hạ thường gọi là trái tay, trái nghề. Anh em cán bộ nhiều cơ quan phản ánh, có nhiều vị đi học tại chức nhưng chuyên nghỉ học để về đi họp. Bởi “con rô cũng tiếc” mà “con diếc cũng ham”.

Lại có chuyện đi học thì ít mà đi nhà hàng, karaoke với thầy với bạn thì  nhiều. Ở tỉnh Q. có anh gia đình theo đạo Phật, hơn nửa đời người không dám đụng đến món cầy tơ, ấy vậy mà sau 2 năm đi học tập trung, lấy bằng đại học thứ 2 trở về, anh em trong cơ quan phát hiện ra là anh ta đã nghiện... thịt chó. Bởi quanh trường anh ta học toàn là quán thịt chó, cả thầy và trò đều rất thích cái món ấy.

Hệ quả là có những vị cán bộ kẹp hồ sơ lý lịch từ 2 đến 3 bằng đại học nhưng năng lực thì thua xa nhân viên của mình, dù họ chỉ có một bằng nhưng là bằng thật, kiến thức thật. Tấm bằng đổi bằng mồ hôi của cha mẹ và nỗ lực của bản thân trên giảng đường.

Thích đi học nhưng không thích học, nói cách khác là sai lầm trong động cơ học tập. Nhìn xa hơn thì cũng phải nhìn nhận lại mục đích, động cơ giáo dục trong đào tạo tại chức.

Tại sao rất nhiều sinh viên học đại học chính quy, tốt nghiệp loại giỏi, loại khá vẫn không có công ăn việc làm? Trong khi đó nhiều cán bộ đi đâu cũng khoe mình có 2 bằng, 3 bằng nhưng ở địa phương nào cũng có tình trạng đội ngũ cán bộ “yếu và thiếu”.

Cán bộ học ngành này phải “bắt cóc bỏ dĩa” sang ngành khác. Có ngành phải “vơ vét” cũng không đủ cán bộ chủ chốt?!

MỚI - NÓNG