Học sinh Việt Nam có điểm Toán trong nhóm cao nhất từ khảo sát PISA: Bộ GD&ĐT lí giải gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - PGS.TS Phạm Quốc Khánh cho rằng, kết quả chung cho thấy, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn.

Ngày 28/2, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những so sánh, đánh giá về kết quả của học sinh Việt Nam từ khảo sát PISA năm 2022 do OECD công bố.

Học sinh Việt Nam có điểm Toán trong nhóm cao nhất từ khảo sát PISA: Bộ GD&ĐT lí giải gì? ảnh 1

Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh phát biểu tại cuộc họp BCĐ khu vực lần 14 và Hội nghị khu vực cấp cao SEA.PLM, Campuchia ngày 23/2/2024

Học sinh Việt Nam có điểm Toán trong nhóm cao nhất

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT xác nhận Việt Nam tham gia từ 2012, năm 2022 có 81 quốc gia bao gồm 36 quốc gia OECD và các quốc gia quan tâm khác như Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm ngặt mọi quy trình của OECD khi triển khai PISA 2022.

Cũng theo ông Khánh, kết quả, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn toán, môn đọc và khoa học với điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81 quốc gia.

Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore, vị trí này cũng phù hợp với với SEA-PLM . Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất chỉ sau Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế-xã hội. Những kết quả này phù hợp những thông tin OECD phân tích về các nhân tố tác động tới kết quả trong báo cáo công bố.

“Các chu kỳ khảo sát của PISA cũng có biến động xếp hạng quốc gia, do đó Việt Nam cũng có sự thay đổi về kết quả xếp hạng. Chúng ta cũng rất quan tâm đến các phân tích, đánh giá chuyên sâu để phục vụ xây dựng và thực thi chính sách. Tôi cũng thông tin là Việt Nam đang tích cực xây dựng báo cáo quốc gia để phân tích và đối sánh kết quả PISA 2022”- ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh thông tin thêm, như các chu kỳ khác, kết quả PISA 2022 cho thấy Việt Nam luôn ở nhóm quốc gia dẫn đầu ở khu vực ASEAN cũng như ở vị trí cao của nhóm các các nước có thu nhập trung bình; và ở quanh mức trung bình của các nước OECD.

“Kết quả PISA 2022 về hạng chung giảm. Chúng tôi bước đầu đánh giá một số nguyên nhân của kết quả này: Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Việt Nam tổ chức dạy học trực tuyến là việc mới ở rất nhiều nhà trường, giáo viên và học sinh - điều tuy không mới với nhiều quốc gia phát triển; Bộ có các chỉ đạo tinh giản nội dung chỉ giữ phần cốt lõi ở các công văn 1113 và và 3280; hướng dẫn nhiệm vụ đánh giá học sinh cũng điều chỉnh giảm liên quan đến các nội dung vận dụng; việc thực hiện các giờ học bổ trợ cũng giảm”- ông Khánh nêu.

Việt Nam có kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn

PGS.TS Phạm Quốc Khánh chia sẻ, kết quả chung cho thấy, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn.

Ông Khánh cho rằng, chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh của Việt Nam từ 6 đến 15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD trong khi các quốc gia trong nền kinh tế OECD có chi tiêu ở mức 75.000 USD, nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt 438 điểm - một trong những mức cao nhất dành cho học sinh có nền tảng kinh tế-xã hội tương tự.

OECD chỉ công bố đối sánh này ở môn Toán vì PISA 2022 có trọng tâm là môn Toán. Việt Nam là một ví dụ điển hình về kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn được Ban thư ký OECD nhắc trong buổi công bố cuối năm 2023 là xác đáng.

Cũng theo ông Khánh, đúng là có việc học sinh có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi vượt trội so với học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở lĩnh vực Toán: mức chênh lệch trung bình giữa hai nhóm là 78 điểm so với 93 điểm ở các nước OECD. Điều này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Tuy nhiên, khoảng 13% học sinh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao trong top 25% (trung bình ở các quốc gia OECD là 10%).

Ông Khánh cho rằng, bên cạnh điều kiện kinh tế-xã hội thì còn có các nhân tố khác tác động đến kết quả học tập như khảo sát PISA đề cập nên giải pháp đồng bộ, có hệ thống là cần thiết ở Việt Nam, phù hợp với từng vùng miền được Bộ GDĐT đã và đang triển khai.

PISA 2022 gồm 81 quốc gia tham gia (36 quốc gia OECD) với ít nhất 81 chương trình THCS khác nhau, nhiều bộ sách/tài liệu học tập nhưng cùng áp dụng một bài thi đánh giá năng lực trong 120 phút và 35 phút hỏi các thông liên quan đến học sinh được tổ chức khoa học và nghiêm túc sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho đối sách và phục vụ xây dựng, thực thi chính sách.

MỚI - NÓNG