Học sinh tử vong ở trường học, ai phải chịu trách nhiệm?

Điện giật, học sinh tử vong, ai chịu trách nhiệm?
Điện giật, học sinh tử vong, ai chịu trách nhiệm?
TPO - Học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong, trẻ mầm non bị gãy chân, phu huynh lén lắp camera phát hiện cô giáo đánh tới tấp vào đầu, mặt học sinh…Tất cả các sự việc trên đều xảy ra ở trường học. Nhiều phụ huynh lo lắng và đặt câu hỏi, trường học có là nơi an toàn đối với trẻ?

Nhiều sự việc đã xảy ra

Cuối tháng 8/2019, phụ huynh Trường mầm non xã Tam Đồng, huyện Mê Linh (Hà Nội) “tố” con gái 3 tuổi bị ngã gãy chân trong trường mầm non nhưng không được giáo viên, ban giám hiệu nhà trường phát hiện. Chỉ khi, phụ huynh đón trẻ, thấy con đau đớn mới đưa đi bệnh viện. 

Tháng 10/2019, phụ huynh lớp 2, Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP HCM) lén lắp camera mới bàng hoàng phát hiện, cô giáo N.H.M đã tát, đánh tới tấp vào đầu nhiều học sinh trong lớp. Cô giáo trong sự việc nói trên sau đó đã bị buộc thôi việc.

Hay mới đây, trẻ mầm non 14 tháng tuổi ở huyện An Dương (Hải Phòng) sau một ngày tới lớp gia đình phát hiện con bị bầm tím nhiều vết trên mặt. Khi đi khám, bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng kết luận: “Trẻ bị đa chấn thương phần mềm”.

Đặc biệt, 9 giờ sáng ngày 24/10, trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 2A, Trường tiểu học Tuy Lai A, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)bị vướng vào dây điện, tử vong tại chỗ. Chưa kể, những sự việc đau lòng như: học sinh lớp 1 Trường wetgay Hà Nội tử vong trên xe đưa đón học sinh; trẻ mầm non ở Bắc Ninh bị bỏ quên suốt 9 tiếng trên xe đưa đón của trường…

Trên các diễn đàn mạng, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất bình và lo lắng đến sự an nguy tính mạng con trẻ khi gửi gắm cho các nhà trường. 

Anh Trần Văn An, có con học ở một trường tư thục Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội)cho biết, những sự việc liên tiếp xảy ra ở trường học khiến anh cảm thấy bất an. Đáng ra, trường lớp phải là môi trường an toàn tuyệt đối lại có thể là mối nguy rình rập tai nạn thương tích. Anh An cũng cho rằng, điều khiến anh lo lắng hiện nay là nhiều nhà trường dùng hệ thống phần mềm để cập nhật tình hình học sinh đến lớp nhưng có nhiều sai sót. Ví dụ như, có trường con đang ngồi ăn sáng nhưng nhà trường nhắn tới điện thoại phụ huynh là trẻ đã đến trường hay con vừa lên xe 2 phút, trường nhắn con đã tới lớp. 

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, Quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, quản lý hàng nghìn học sinh học và ăn bán trú trong ngày nhà trường rất lo lắng. Trong đó có cả phòng chống tai nạn thương tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn.

 Ví dụ như, trước đây, nhà trường lắp song sắt ở ban công thì bị yêu cầu cắt bỏ để đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Do đó, đã có chuyện, một số học sinh lớp 3 leo lên ban công ngồi vắt vẻo khiến cô giáo thót tim. Rất may, chưa xảy ra sự cố, nhà trường phải tính phương án để lắp lưới an toàn cho các tầng cao không để xảy ra “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ai chịu trách nhiệm?

Dù có quy định cụ thể, nhưng các vụ việc liên quan đến tai nạn học sinh vẫn xảy ra. Điều phụ huynh quan tâm, ai sẽ chịu trách nhiệm về những sự việc đó?

Trong khi thực tế, sau khi học sinh bị điện giật tử vong, phía EVN Hà Nội ngay sau đó cũng trả lời báo chí khẳng định, dây điện bị đứt là dây phía sau công tơ, thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm quản lý của nhà trường. Hay như vụ trẻ mầm non Trường mầm non xã Tam Đồng, huyện Mê Linh (Hà Nội) bị ngã gãy chân trong trường học, nhưng khi phụ huynh gọi điện thông báo với hiệu trưởng, bà này vẫn hỏi ngược phụ huynh: “Sao không gọi cho cô chủ nhiệm. Gọi cho tôi là không sai nhưng mà thừa”. 

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng làm rõ sự việc, khi có kết luận của cơ quan điều tra nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn kiểm tra toàn bộ hệ thống điện trong khu vực, rà soát các hạng mục, công trình của nhà trường tuyệt đối không để xảy ra sự việc tương tự. 

Về phòng chống tai nạn thương tích trong trường phổ thông, năm 2007, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định cụ thể. Trong đó, khẳng định, trường học an toàn là toàn bộ học sinh được sống, học tập trong môi trường an toàn.

Vì vậy, các trường phải có ban chỉ đạo y tế trường học, trong đó bao gồm công tác phòng chống tai nạn thương tích. Hàng năm, ban chỉ đạo này phải xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, các thành viên được tập huấn thường xuyên. Đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động để phòng chống, giảm thiểu các sự việc.

Vì vậy, sau khi các sự cố điện giật tử vong học sinh lớp 2, anh Trần Văn Lập, phụ huynh có con học THCS ở quận Đống Đa nói: “cần phải đặt ra vấn đề, loại dây điện như trên, được đi theo cách thức đó có đảm bảo Luật an toàn lao động. Đặc biệt, nếu sau một đêm mưa gió như lời lãnh đạo phòng GD&ĐT nói, tại sao không có tấm biển cảnh nguy hiểm báo nào cho học sinh?”.

MỚI - NÓNG