Kỳ vọng
PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Viện trưởng Viện sau ĐH (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong 42 chương trình đào tạo tiến sĩ (TS) của trường, có gần 30 chương trình có nghiên cứu sinh đã đạt được chuẩn đầu ra ít nhất 1 bài trong danh mục tạp chí nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới (danh mục tạp chí ISI/Scopus). Năm nay có 82 người được nhận bằng TS, trong đó có 30 trường hợp đạt chuẩn đầu ra với ít nhất 1 bài trong danh mục tạp chí ISI, chiếm 36,6% tổng số người tốt nghiệp TS.
Tổng số công trình khoa học công bố là 476 bài, trong đó có 70 bài báo trong danh mục ISI. TS Trịnh Ngọc Hải đạt kết quả xuất sắc với14 bài trên ISI. Tổng chỉ số IF (số đo phản ánh số lượng trích dẫn) của 14 bài báo là 18,724.
TS Quản Thị Minh Nguyệt với kết quả công bố xuất sắc có 2 bài trên tạp chí Q1 với tổng chỉ số IF là 9,15; trong đó có 1 bài đăng trong tạp chí Applied Physics Letters với IF là 3,49 Nature Index. Đây là một trong những tạp chí uy tín và được giới học giả, các nhà khoa học đánh giá rất cao.
PGS Nguyễn Đắc Trung nhận định, một số ngành đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đặt yêu cầu đầu ra tương đương với các trường ĐH trên thế giới, như ngành Toán, Vật lý kỹ thuật, Khoa học vật liệu điện tử, Vật liệu quang học, Quang điện tử và quang tử… Như vậy, trước khi bảo vệ luận án TS, nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI.
Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Vũ Trọng Nghĩa, phòng truyền thông của trường cho biết, lần đầu tiên, trường có nghiên cứu sinh có bài báo ISI. Trong tổng số 87 nghiên cứu sinh vừa nhận bằng TS có 7 nghiên cứu sinh có bài báo ISI. Ông Nghĩa lạc quan cho biết, năm sau số lượng các nghiên cứu sinh có bài báo ISI sẽ tăng lên.
Còn nhiều bất cập
Đối với ngành khoa học xã hội, TS Hồ Xuân Mai, Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định, chất lượng nghiên cứu sinh không thay đổi so với trước đây. TS Hồ Xuân Mai chỉ ra một loạt nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân đầu tiên là đề tài của nghiên cứu sinh thời gian gần đây không phù hợp. Vẫn còn số đông những đề tài chỉ làm cho có, chất lượng đề tài thấp, tính ứng dụng không cao nhưng hội đồng cũng thông qua.
“Vì nếu tôi bỏ phiếu cho nghiên cứu sinh của người này không đạt thì mai kia học trò của tôi cũng khó qua” - TS Hồ Xuân Mai nêu thực tế. Một nguyên nhân nữa được TS Mai nhắc đến đó là năng lực của nghiên cứu sinh. Theo ông, không phải thí sinh nào cũng có năng lực để làm nghiên cứu nhưng, vì họ cần tấm bằng để hoàn thiện hồ sơ hoặc cần để giữ vị trí nên đi làm nghiên cứu.
“Tôi từng chứng kiến có một nghiên cứu sinh, trong 14 người ngồi hội đồng thì chỉ có 1 người cho điểm trung bình. Tôi đề nghị phải cho nghiên cứu sinh này có thời gian để bổ sung kiến thức. Nhưng lại được rỉ tai là người này làm ở vị trí này, vị trí kia ở tỉnh nên cần có bằng TS. Thế rồi cũng qua”, TS Hồ Xuân Mai cho hay.
Theo ông Mai, không chỉ năng lực của người học mà năng lực của đội ngũ hướng dẫn cũng có vấn đề. Ông cho biết, có những người học ĐH, thạc sĩ đến TS đều là ngành Ngôn ngữ nhưng lại nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh lĩnh vực văn hóa. Một thực tế khác mà TS Hồ Xuân Mai đưa ra đó là sức ép tuyển sinh. Các trường ĐH cần có nghiên cứu sinh để có kinh phí, các giảng viên cũng cần có nghiên cứu sinh để hướng dẫn mới đủ điều kiện để làm phó giáo sư hay giáo sư.
“Từ những yếu tố trên đã tác động đến chất lượng TS ngành khoa học xã hội nhân văn hiện nay. Chỉ khi nào đào tạo nghiên cứu sinh tách rời được khỏi yếu tố bằng cấp, tiêu chuẩn hóa hồ sơ thì lúc đó mới tính đến chất lượng” - TS Hồ Xuân Mai khẳng định.
Ông cũng cho rằng tất cả những tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra cũng chỉ là yếu tố “chữa cháy”, giải quyết phần ngọn. Vì Bộ GD&ĐT mới chỉ chuyển từ quy định bài báo trong nước sang bài báo quốc tế. Còn quốc tế như thế nào thì chưa có một quy định cụ thể nên đăng ở tạp chí của Campuchia cũng là quốc tế mà đăng ở các tạp chí ISI cũng là quốc tế.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm 2019, trường có một chiến lược đào tạo nghiên cứu sinh. Trong đó, nhắm vào thạc sĩ nghiên cứu, học theo chương trình tích hợp cử nhân, thạc sĩ để cấp học bổng. Mục tiêu của trường là cứ 2, 3 học viên cao học sẽ có 1 bài đăng trên tạp chí ISI hoặc Scopus. Đây cũng chính là “nguồn để đào tạo nghiên cứu sinh sau này.