Học sinh tự tử: Áp lực đến từ gia đình, thầy cô?

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THCS Dịch Vọng - Cầu Giấy (Hà Nội) khóc cảm động khi được giáo dục chuyên đề về lòng biết ơn
Học sinh Trường THCS Dịch Vọng - Cầu Giấy (Hà Nội) khóc cảm động khi được giáo dục chuyên đề về lòng biết ơn
TP - Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ, thầy cô không nên giáo dục kiểu áp đặt, tạo căng thẳng cho học trò, mà cần đồng hành, dạy các em đối mặt những biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống.

Cô Phạm Thị Yến, giáo viên phụ trách phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nói rằng, nhiều em mâu thuẫn với gia đình vì chuyện bố mẹ li hôn, bị bố mẹ mắng; mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, khúc mắc trong tình yêu, cảm thấy bị bỏ rơi... “Ở độ tuổi này, các em thường cường điệu hóa sự việc như bị mắng vài câu đã nghĩ thầy cô, bố mẹ ghét mình. Các em dễ bị tổn thương và nếu không có bản lĩnh, dễ có suy nghĩ tiêu cực”, cô Yến nói. Tuy gặp nhiều vấn đề nhưng đa số học sinh rụt rè, không tìm đến thầy cô để chia sẻ.

Cha mẹ kỳ vọng, áp đặt trẻ?

Thầy Nguyễn Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) cho biết, sau sự việc có học sinh trong trường uống thuốc tự tử, Sở GD&ĐT An Giang đã hướng dẫn nhà trường thành lập phòng tham vấn tâm lý trường học.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nói rằng học sinh gặp nhiều vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Độ tuổi vị thành niên, học sinh có sự thay đổi rất lớn trong tâm sinh lý và nhạy cảm với những tác động xung quanh. Ông Nam cảnh báo, thầy cô không nên giáo dục áp đặt, kỷ luật đi ngược lại phương pháp giáo dục tích cực. Phía cha mẹ học sinh cần dành thời gian quan sát, đồng hành với con mỗi ngày, nhận biết những thay đổi bất thường của con để quan tâm, chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng việc học sinh tìm đến cái chết phản ánh sự dồn nén, ấm ức khó chia sẻ và không tìm được giải pháp. Như trường hợp có học sinh nhỏ tuổi nghĩ đến cái chết để giải thoát chỉ vì bố mẹ bắt đi học nhiều quá, không có niềm vui.  TS Lâm nói rằng, hiện nay, nhiều trường tách rời dạy học và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống.

“Ở Việt Nam, tỉ lệ thanh thiếu niên và trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần cần được tư vấn, trị liệu chiếm khoảng 12%. Trong khi đó các nhà trường hiện nay mới chỉ chú trọng giáo dục kiến thức, thể chất mà chưa quan tâm đúng mức tới sức khỏe tâm thần”.

PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục)

Ông Lâm cảnh báo: “Hiện nay, bố mẹ kỳ vọng nhiều vào con, ép con phải học trong khi dành ít thời gian cho con. Nếu không hiểu mong muốn của trẻ lại giáo dục với tư duy áp đặt thì dễ nảy sinh mâu thuẫn”.        

 Cần dạy học sinh  kỹ năng xử lý tình huống

Phòng tư vấn tâm lý Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) mở cửa ngày thứ 2, thứ 5 hằng tuần để học sinh “gặp vấn đề” có thể đến gặp chuyên gia thì thầm to nhỏ. Tuy nhiên, bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó Hiệu trưởng, cho biết, không phải học sinh nào “gặp vấn đề” cũng tự tìm đến phòng này. Do đó, trường đưa ra nhiều giải pháp để phát hiện, đồng hành và quan trọng nhất là tăng cường kiến thức, kỹ năng để học sinh ứng phó các tình huống.

Học sinh tự tử: Áp lực đến từ gia đình, thầy cô? ảnh 1 Học sinh rất cần được tham vấn tâm lý chuyên nghiệp để giải tỏa áp lực, mâu thuẫn trong học tập, cuộc sống

“Nếu hôm nay giáo viên lên lớp thấy học sinh buồn hơn hôm qua, mệt mỏi ngủ gục xuống bàn…, cô phải hỏi han, chia sẻ với trò thay vì quát mắng. Học sinh không chủ động đến phòng tư vấn, thầy cô mời em đến gặp riêng để trao đổi”, bà Hoa nói.

Hằng tuần, học sinh được dạy theo các chuyên đề như: xử lý thế nào nếu bạn đánh nhau, phòng chống xâm hại tình dục, sử dụng mạng xã hội an toàn… “Khi trẻ được cung cấp kiến thức, trang bị các tình huống có thể gặp phải và phương thức xử lý, trẻ sẽ chủ động, ít mắc sai lầm hơn. Khó khăn của nhà trường là không có bác sĩ tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp, thầy cô giáo chủ nhiệm làm nhiệm vụ chuyên môn dạy học là chủ yếu, do đó, khi gặp tình huống, thầy cô lại phải chia sẻ, hỗ trợ nhau phương pháp giải quyết”, bà Hoa cho hay.

Trường THPT Việt Đức áp dụng quan điểm giáo dục không bình luận, phán xét trẻ. Thầy cô được yêu cầu chú trọng lời nói, giúp học sinh nhận ra sai ở đâu để thay đổi, không vì điều đó mà phê bình, kỷ luật trẻ trước tập thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dạy trẻ sẵn sàng đón nhận, xử lý các vấn đề khó khăn có thể gặp phải trong cuộc sống. Nếu không, khi gặp chuyện, học sinh không có “sức đề kháng” sẽ khó thích nghi dẫn tới ứng xử tiêu cực. Đôi khi một lời nói của giáo viên, bạn bè có thể giúp trẻ được xoa dịu, giảm áp lực rất nhiều.

Cô Nguyễn Thị Như Hoa, chuyên viên phòng tư vấn tâm lý một trường học tại Hà Nội, chia sẻ, phòng được thành lập nhiều năm trước nhưng có ít học sinh chủ động tìm đến. Để thu hút học sinh, nhà trường tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng cho cả học sinh, phụ huynh như: nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau, yêu thương… Trong mỗi lớp học, thành lập các nhóm để học sinh phát hiện, hỗ trợ các bạn gặp vấn đề tâm lý và báo cáo với thầy cô cùng chung tay xử lý.

Tăng cường giáo dục kỹ năng xã hội

Ông Nguyễn Thành Nhân, Cố vấn cao cấp về giáo dục tâm lý của Hệ thống giáo dục ATY, nói rằng, nhiều bạn nhỏ rất dễ bị tổn thương; khi cha mẹ, thầy cô nhắc nhở về hành động chưa tốt, trẻ lại hiểu mình bị ghét bỏ. Các em thiếu kỹ năng xã hội, khi có xung đột không biết giải quyết thế nào nên có em đã tìm đến cái chết. Giải pháp căn cơ hiện nay chính là nhà trường phải tăng cường dạy học trò giao tiếp, ứng xử khi xung đột, giải quyết các tình huống. “Hiện nay các trường học đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhưng một số nơi đang làm rất hình thức, học sinh chưa được thực hành, trải nghiệm. Trong khi đó, vai trò phòng tham vấn tâm lý học đường và giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng lại chưa khai thác hết”, ông nói.

Theo ông Nhân, để giảm tỉ lệ trẻ tự tử, phải thu hút trẻ tới chia sẻ với giáo viên, chuyên gia tư vấn để giải quyết được các vấn đề khúc mắc. Một số giáo viên chủ nhiệm có sáng kiến cho học sinh viết ra điều em muốn nói; viết thư gửi gia đình… và để phụ huynh chia sẻ, đồng hành, hiểu con. “Hiện nay, giữa con cái và cha mẹ đang có khoảng cách lớn. Quá trình tham vấn cho thấy, có nhiều học sinh đối xử rất quá đáng với cha mẹ nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng trong khi các em mới chỉ tổn thương một chút đã có suy nghĩ tiêu cực. Từ đây, nhà trường cần có những diễn đàn để giúp học sinh chia sẻ, kết nối cảm xúc và gắn kết với cả cha mẹ”, ông nói.

Ông Nhân cho rằng, Bộ GD&ĐT cần thay đổi giáo trình đào tạo từ trường sư phạm, trong đó chú trọng dạy kỹ năng xã hội, cảm xúc xã hội. Giờ dạy kỹ năng phải thành học chính khóa, chứ không tận dụng các giờ sinh hoạt như hiện nay. Trước khi áp dụng, Bộ GD&ĐT cần tập huấn cho giáo viên các biện pháp giáo dục tích cực, phối hợp với các tổ chức quốc tế biên soạn tài liệu hướng dẫn xử lý các tình huống liên quan. Công đoàn ngành cũng cần tập huấn về mô hình trường học hạnh phúc.

 Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết, hiện nay, khoảng 70% trường học có phòng riêng hoặc phòng ghép tư vấn tâm lý cho học sinh. Thầy cô được tập huấn, cấp chứng chỉ và tư vấn định mức 3-8 tiết một tuần.

MỚI - NÓNG