Học sinh tăng, trường lớp thiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi nhiều cơ quan đang đặt vấn đề Hà Nội thiếu trường lớp ra sao thì báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi Bộ GD&ĐT chỉ nêu: “Đến năm 2025, cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập”.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có báo cáo Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024, riêng hệ thống trường THPT của Hà Nội, đến thời điểm này có 115 trường công lập, 9 trường công lập tự chủ tài chính, 4 trường công lập hiệp quản và hơn 100 trường tư thục. Trong đó, trường công lập năm học 2023-2024 tuyển 78.623 học sinh (chiếm 60,9%).

Học sinh tăng, trường lớp thiếu ảnh 1

Thiếu trường lớp, phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm

ảnh: Trọng Tài

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi các huyện ngoại thành nguyện vọng 1 của học sinh thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì ở các quận nội đô có tỉ lệ chọi rất cao, có trường lên tới 1/3,35. Sức nóng hiện nay dồn về các quận có khu đô thị cao tầng mọc lên nhanh chóng như: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy…

Nguyên trưởng phòng GD&ĐT của một quận nói rằng, vấn đề thừa thiếu trường học cục bộ giữa các quận nội đô và các huyện ngoại thành đang gây áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh. Có quận nhiều năm nay không hề tăng số lượng trường THPT trong khi hằng năm học sinh tăng hàng chục nghìn em.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đi kiểm tra “điểm nóng” thiếu trường, lớp công lập ở quận Hoàng Mai đã đề nghị quận tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị còn trống, chậm triển khai dự án nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây trường học, cố gắng hoàn thiện trong năm 2023. Đối với 4 ô đất quận đề xuất dành để xây dựng trường học, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý với đề xuất và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.

Sở GD&ĐT Hà Nội đang tính toán, dự báo số học sinh tăng 3 năm tiếp theo để có thể xây trường lớp đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, năm học này có 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, năm tiếp theo tăng lên gần 5.800 em; năm tiếp theo nữa chỉ tăng 680 em nhưng một năm sau đó (2026-2027) con số này lại nhảy vọt lên 151.710 (tăng 22.500 em). Hà Nội cũng đã có tính toán để đầu tư xây dựng trường lớp, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu. Về quy mô trường THPT công lập, không tính trường tự chủ tài chính và trường hiệp quản, năm tới, địa phương dự kiến có 121 trường, tăng 2 trường so với năm học này. Năm học 2025-2026 có thêm 4 trường xây mới và năm tiếp theo đó tăng 6 trường so với năm nay.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, địa phương hiện có 16 dự án xây dựng và thành lập trường THPT ở các huyện: Thạch Thất, Đan Phượng, Cầu Giấy, Đông Anh, Sóc Sơn; xây dựng 7 trường phổ thông liên cấp có nhiều cấp học diện tích tối thiểu 5 ha tại 7 quận, huyện khác đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Quy hoạch mạng lưới trường phù hợp khu dân cư

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng, dù dân số cơ học của địa phương tăng nhanh nhưng cơ quan quản lý phải có dự tính để quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với đặc điểm của từng khu vực dân cư, tránh để diễn ra tình trạng nơi nào đó quá thiếu trường lớp, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh.

Ủng hộ chính sách phân luồng học sinh sau bậc THCS, ông Bình cho rằng, cần chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống trường đào tạo nghề. “Nếu con em không thật sự có năng lực, cha mẹ nên có hướng đi khác, không nhất thiết đổ xô đi học THPT vào ĐH, sẽ mất thời gian, tốn kém tiền bạc trong khi chưa biết đầu ra như thế nào. Ở một số địa phương, học xong lớp 9, học sinh tự đi học ngoại ngữ, học nghề, đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền. Rõ ràng người dân họ tự nhìn thấy cái nào có lợi họ lựa chọn và mình cũng cần khuyến khích. Còn ở Hà Nội đa số người dân tập trung vào một cửa khó tránh khỏi chật chội”, ông Bình nói.

Ngoài đầu tư xây dựng, sửa chữa trường công lập, một hướng đi nữa là Nhà nước có chính sách cho trường ngoài công lập phát triển. Theo đó, cần có chính sách đảm bảo công bằng quyền lợi giữa các học sinh như cấp hỗ trợ mỗi em số tiền/tháng giữa trường công và trường tư bằng nhau. Khi đó, vì lý do nào đó như điểm thấp, trượt nguyện vọng trường công, cha mẹ sẵn sàng cho con học trường tư với một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách.

Ông Bình cũng kiến nghị, nếu trong nội đô không có quỹ đất để xây trường lớp, Hà Nội nên đầu tư xây dựng trường ở các huyện ngoại thành. Khi đó, cần tính toán thời gian vào học, tan trường phù hợp để học sinh sẽ đi học bằng xe bus. Hay như xây thêm vài trường học ở cuối tuyến đường tàu cao tốc trên cao ở Hà Đông cũng khá thuận lợi cho học sinh đi học.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), nói: “Bộ GD&ĐT đang quy định sĩ số học sinh ở bậc THPT là 45 em/lớp, nếu tăng sĩ số, giáo viên sẽ rất khó khăn, không có thời gian để quan tâm đến từng học sinh trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới tiệm cận được xu hướng quốc tế đó là hướng tới phát triển năng lực toàn diện của học sinh”.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.