Học sinh dã ngoại: Cần an toàn, tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học sinh bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí bị tai nạn thương tích, tử vong trong những chuyến đi mang tên “hoạt động trải nghiệm”. Trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông mới không bắt buộc học sinh phải đi dã ngoại.

Tháng 11/2022, một nam sinh lớp 11, Trường Lý Thánh Tông, huyện Gia Lâm (Hà Nội) tử vong khi tham gia chuyến dã ngoại, trải nghiệm tại công trình thuỷ điện Hoà Bình. Chuyến đi do nhà trường tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục nhân cách cho học sinh. Sau khi sự việc xảy ra, đại diện nhà trường nói rằng đây là sự việc đau lòng, rất đáng tiếc.

Năm 2021, tại TPHCM, một học sinh gặp nạn tại khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) dẫn đến tử vong; 3 học sinh Hà Nội gặp sự cố khi chơi tàu lượn siêu tốc ở Phú Thọ, trong đó 1 em tử vong, 2 em bị thương…

Mới đây, gần 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi dã ngoại phải nhập viện cấp cứu khiến phụ huynh học sinh được phen hú vía.

Sau đó, Phòng GD&DT quận này yêu cầu tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tạm dừng việc đưa học sinh đi trải nghiệm ở ngoài trường học để rà soát quy trình an toàn sức khoẻ cho học sinh.

Học sinh dã ngoại: Cần an toàn, tự nguyện ảnh 1

Học sinh một trường tiểu học tại Hà Nội trong chuyến dã ngoại

Chương trình đưa học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm được trường học các địa phương tổ chức từ lâu và rầm rộ gần đây, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được coi là một môn học.

Trao đổi với PV, PGS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) khẳng định, chương trình mới không đưa ra quy định là trường học phải tổ chức đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại ngoài nhà trường mà đưa ra các dạng hoạt động khác trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường.

Trong 1 học kỳ, trường có điều kiện có thể tổ chức 2 lần cho học sinh ra ngoài trường trải nghiệm; trường không có điều kiện không ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình. Không phải cứ đưa học sinh đến một khu resort, khu sinh thái nào đó là trải nghiệm. Trải nghiệm không nằm ở môi trường, ở không gian mà quan trọng là ở đâu mà học sinh được tham gia hoạt động mang tính trải nghiệm, được học, được làm, được nói cũng như thể hiện sự tự tin.

“Khi đi ra ngoài có thể cho học sinh tham quan di tích lịch sử để học về lịch sử; tham quan làng nghề, con sông quê hương cũng là đi trải nghiệm, không nhất thiết phải đi khu vui chơi, giải trí. Ở đâu đó thiết kế chương trình cho học sinh đi thật xa, thu phí cao, yêu cầu 100% học sinh tham gia và mang danh hoạt động trải nghiệm là trá hình”, PGS Thoa nói.

Cũng theo PGS Thoa, việc tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoài trường học không có nghĩa là không tốt và không quản được thì cấm, học sinh sẽ thiệt thòi. Ngoài kiến thức sách vở, các môn học có tính thực tế sẽ giúp học sinh ghi nhớ, có cảm nhận riêng. Điều quan trọng nhất là nhà trường phải đảm bảo an toàn cho học sinh, mức thu hợp lí, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

“Đối với những em không tham gia được cũng không sao vì đánh giá hiện nay rất mở. Mục tiêu của hoạt động là thông qua trải nghiệm, khơi gợi cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, hiểu về con người, lịch sử, biết bảo vệ môi trường…

Như vậy, không phải chỉ khi tham gia chuyến đi với trường, lớp học sinh mới đạt được mục tiêu đó mà các em có thể thể hiện qua bài thu hoạch của một chuyến đi với gia đình. Những kỹ năng khác như biết hỗ trợ, tương tác, giúp đỡ bạn bè… giáo viên có thể đánh giá qua rất nhiều hoạt động trên lớp”, bà Thoa nói.

MỚI - NÓNG