Học giả Mỹ: Triều Tiên đủ năng lực đánh chìm tàu sân bay Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Tàu sân bay Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ
Tàu sân bay Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ
TPO - Các lực lượng vũ trang của Triều Tiên có thể đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ không? Theo học giả James Holmes của Học viện Hải chiến Mỹ, câu trả lời là có — tùy thuộc vào loại tàu sân bay mà họ đối đầu, các chỉ huy hải quân Mỹ sử dụng tàu sân bay thuần thục đến đâu, các chiến binh Triều Tiên hiểu rõ chiến thuật như thế nào và quan trọng nhất là bên nào may mắn hơn trong chiến đấu.

Theo ông Holmes, Hải quân CHDCND Triều Tiên có thể đánh chìm các tàu nổi. Họ được cho là đã làm như vậy vào năm 2010, khi phát động một cuộc tấn công lén lút bằng tàu ngầm nhằm vào tàu hộ tống ROKS Cheonan của Hàn Quốc. Đúng ra, Cheonan là một con tàu hoạt động đơn lẻ, không phải là trung tâm của một nhóm tàu sân bay hay lực lượng đặc nhiệm đổ bộ với các tàu hộ tống được trang bị để săn và tấn công tàu ngầm. Tuy nhiên, sự cố Cheonan cung cấp bằng chứng, về một sự thật vượt thời gian về hoạt động tác dưới đáy biển: ngay cả một tàu ngầm diesel lạc hậu về công nghệ chạy chậm — và do đó rất âm thầm — có thể tiếp cận, tấn công và đánh chìm một tàu mặt nước hiện đại do các thủy thủ chuyên nghiệp cao của Hải quân Hàn Quốc. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Hải quân Mỹ.

Trong tác chiến hải quân, bên yếu hơn thường tìm cách trang bị tàu ngầm để đối chọi với kẻ thù vượt trội về lực lượng. Năm 1982, một lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Anh bảo vệ Quần đảo Falkland đã phải sử dụng phần lớn kho vũ khí chống tàu ngầm thời chiến của Anh trong một nỗ lực vô ích nhằm tiêu diệt một tàu ngầm diesel-điện Type 209 (cùng loại với chiếc vừa gặp nạn của hải quân Indonesia-PV) duy nhất của Argentina, tàu ARA San Luis. Thuyền trưởng người Argentina được cho là đã điều khiển tàu nằm sát đáy biển. Việc dừng động cơ đã loại bỏ tiếng ồn máy móc, giúp tàu San Luis tránh bị phát hiện. Các chiến thuật được tinh chỉnh trong Thế chiến II đã được bên yếu thế hơn áp dụng để chống lại một đội hải quân thuộc NATO được tối ưu hóa cho tác chiến chống tàu ngầm.

Hoặc giả như năm 2006, khi một tàu diesel lớp Tống (Type 039) của Trung Quốc vượt qua hàng phòng thủ của nhóm tấn công tàu sân bay USS Kitty Hawk, nổi lên cách tàu sân bay Mỹ khoảng 5 hải lý. Nhóm tác chiến tàu sân bay đã không hề đề phòng tàu ngầm tấn công và người phát ngôn của hải quân Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc tiếp cận của tàu ngầm đã không bị phát hiện. Họ cũng có thể nghĩ như vậy: chiến tranh chống tàu ngầm không chỉ là một nghệ thuật khó mà còn là một nghệ thuật mà Hải quân Mỹ đã bỏ qua sau Chiến tranh Lạnh. Đó là khi ban lãnh đạo quyết tâm chuyển đổi lực lượng hải quân Mỹ thành một “lực lượng hải quân khác về cơ bản” chủ yếu tập trung tác chiến trên mặt nước. Tác chiến chống ngầm đã bị xem nhẹ.

Thật thú vị khi các nhà bình luận mô tả chiếc tàu ngầm này hoặc chiếc tàu ngầm kia là “tàu ngầm tàng hình”. Có lẽ từ “tàng hình” đó toát ra sức hấp dẫn và tạo ra lượng view cao trên các trang web tin tức. Nhưng tất cả các tàu ngầm đều hoạt động “lén lút”, “tàng hình”. Các tàu ngầm CHDCND Triều Tiên đã chứng minh rằng họ có thể tránh trở thành con mồi— và chủ động làm kẻ săn mồi — nếu họ khai thác lợi thế của mình vào thời điểm mà hoàn cảnh có lợi cho họ.

Đúng là các tàu sân bay của Mỹ được bọc thép dày đặc, như những người ủng hộ sử dụng tàu sân bay muốn và thường nói. Và đánh chìm một tàu sân bay sẽ không phải là một chiến công dễ dàng.

Nhưng chúng ta đã biết trong gần một thế kỷ qua rằng các tàu bọc thép có thể bị đánh chìm bởi các cuộc tấn công trên không, trên mặt đất hoặc dưới đáy nước.

Thứ hai, thành công trong tác chiến với tàu sân bay của Hải quân CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào loại lực lượng tàu sân bay mà nước này phải đối mặt. Nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ tập trung xung quanh tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân (CVN) là thứ khác với nhóm sẵn sàng đổ bộ tập trung vào tàu đổ bộ (LHD hoặc LHA) như tàu USS Wasp, hiện đang di chuyển về cảng mới ở Sasebo, Nhật Bản.

Cả CVN và tàu sân bay đổ bộ như Wasp đều có thể mang theo máy bay công nghệ cao như tiêm kích F-35. Nhưng CVN lớn hơn, có nhiều máy bay tiêm kích / cường kích cùng các máy bay yểm trợ đi kèm. Nó cũng được trang bị các máy phóng có khả năng cất cánh máy bay chiến đấu với tải trọng nhiên liệu, vũ khí lớn hơn. LHD và LHA có lượng choán nước bằng khoảng một nửa so với CVN, chúng không có máy phóng, và do đó chúng mang theo hỗn hợp trực thăng và F-35 của Thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh thẳng đứng có tầm hoạt động nhỏ hơn so với các phiên bản F-35 của Hải quân Mỹ.

Do vậy, khả năng đánh chìm tàu sân bay của hải quân Triều Tiên rõ ràng phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng câu trả lời rõ ràng là: họ có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

MỚI - NÓNG