Học để cho vui

Học để cho vui
TP - Sau mùa thi, đến hẹn lại lên, xuất hiện trên báo đài thật nhiều những gương thủ khoa có hoàn cảnh gia đình ứa nước mắt. Những cô cậu học trò nghiến răng chịu đói chịu rét học đêm học ngày chỉ với hy vọng thoát cảnh đói nghèo, hèn kém bao đời đeo đuổi cả gia đình dòng họ.

Học giỏi, tất nhiên phải có niềm đam mê lớn. Nhưng bảo học có “vui” không, chưa chắc dễ trả lời. 

Một cụ ông Việt kiều 83 tuổi quê Đại Lộc (Quảng Nam) vừa bước vào buổi học đầu tiên lớp Cao học tại trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Đến trường, cụ bận áo phông, quần bò, đi giày thể thao, lưng đeo ba lô trông cảm giác rất “dô-mốt”. Cụ bảo làm thế để tươi vui, để xốc lại tinh thần và năng lượng cho mình. Trông vậy, nhưng nếu ai đó bảo cụ đi học vì “rảnh rỗi chơi trội” thì nên nghĩ lại. Bởi ở Mỹ, cụ đã dành cả đời làm lụng vất vả nuôi nấng đàn 7 đứa con lần lượt trưởng thành vào đại học. Khi đứa cuối cùng yên ổn, ở tuổi 65, cụ mới cho phép mình vào…đại học, thỏa mãn cơn thèm học từ nhỏ. Tốt nghiệp đại học ngành Tài chính ở California (Mỹ) loại khá ở tuổi 69, định học tiếp cao học, thì đến lượt vợ ngã bệnh phải chăm sóc. Chỉ đến hơn chục năm sau, khi đưa vợ về Việt Nam, cụ mới có thời gian học lên tiếp.

Đọc báo, thấy ở Hà Nội cũng có một cụ ông 71 tuổi đêm đêm cắp sách đến trung tâm học tiếng Anh. Cụ bảo còn sống ngày nào còn học ngày đó. “Học là thú vị nhất, dù chẳng để làm gì”. Một niềm vui sướng học tập thật hiếm hoi.

Bộ Giáo dục vừa phần nào giải nhiệt hàng triệu phụ huynh học sinh cả nước bằng Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, chương trình học các cấp được giảm tải đáng kể, khi ngoài một vài môn chính bắt buộc, học sinh được tự chọn hầu hết các môn tùy theo sở trường và hứng thú của mình. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo từng dự án/nhóm học tập được tăng cường đáng kể trên lớp học. Hy vọng với chương trình đổi mới này, các thế hệ học trò sẽ bớt đờ đẫn mụ mị, mà cảm thấy vui tươi hứng khởi “dô–mốt” hơn khi ở trường.

Trở lại trường hợp cụ thạc sĩ (tương lai) 83 tuổi. Để khuyến khích, nêu gương về tinh thần học tập, nhà trường quyết định miễn học phí cho cụ. Cụ cảm ơn ngay, không sĩ diện rằng mình Việt kiều mà mang tiếng “học chùa”. Bởi ở quê, cụ đang điều hành một lúc 5 hội khuyến học giúp nâng bước đến trường cho đám học trò nhỏ con nhà nghèo. Cụ cũng vừa trao 100 suất học bổng cho các cháu học giỏi có hoàn cảnh khó khăn ngay trước năm học mới. Đặc biệt, học cao học ngành Quản trị kinh doanh, cụ dự định sẽ đưa một mô hình kinh doanh, du lịch mới về các vùng nông thôn để giúp bà con nông dân có cơ hội xóa nghèo làm giàu.

Học phải vui, học cần vui, nhưng không phải “học để cho vui”. Nhìn lại nền giáo dục của ta trong giai đoạn dài, thấy dường như chỉ đáp ứng được 4 chữ cuối cùng.

MỚI - NÓNG