Bước ngoặt

Bước ngoặt
TP - Có lẽ đã lâu lắm rồi mới có một dự thảo đổi mới giáo dục gây cảm hứng, nhận được nhiều phản ứng tích cực từ công chúng như dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT hoàn tất.

Thay vì phải học tất tật “18 ban võ nghệ”, học sinh trung học cơ sở sẽ chỉ còn phải học 7-8 môn và học sinh trung học phổ thông chỉ còn phải học 4 môn bắt buộc.

Nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam cố gắng nhồi nhét đủ thứ kiến thức vào đầu học sinh. Nhưng tư duy duy ý chí đó đã dẫn đến một nền giáo dục tham lam về mục tiêu, cồng kềnh về chương trình học và vừa quá tải, vừa kém hiệu quả. Đã có thời một học sinh trung học phổ thông vừa phải học các môn cơ bản, vừa phải học các môn như trường nghề để rồi chỉ cần ra trường là “chữ thầy trả thầy”. Không phải do học sinh kém hay lười mà chỉ đơn giản là họ không cần những kiến thức đó. Một học sinh trung học ven đô của Hà Nội vừa phải học “Kỹ thuật công nghiệp” với các giờ học chay về thế nào là nghề rèn, thế nào là nghề hàn, rồi tiện, rồi nguội… Rồi cũng chính học sinh đó lại phải học tiếp môn “Kỹ thuật nông nghiệp” để biết cấy lúa ra làm sao, gieo mạ như thế nào… Về lý thuyết, trang bị kiến thức “đầy đủ” như thế ắt là điều tốt vì học sinh ra đời nếu không làm nghề công nghiệp thì đã có sẵn kỹ năng gieo mạ, cày ruộng. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.

Chính vì vậy, tiến tới bước đổi mới như dự thảo chắc chắn là một điều quan trọng, mang tính bước ngoặt. Dù ý tưởng này trên thế giới không có gì mới, việc chúng được áp dụng tại nước ta cho thấy ngành giáo dục đã quyết tâm đổi mới. Tuy nhiên, dự thảo mới đang là… dự thảo nên vẫn còn nhiều thứ phải chuẩn bị, phải bàn bạc và lấy ý kiến rộng rãi. Nhưng với bước đổi mới này, sẽ là không đầy đủ và toàn diện nếu không đi kèm với cung cách đánh giá học sinh mới, phù hợp với tiêu chí của con người thời hiện đại. Ở nhiều quốc gia, cách đánh giá học sinh, nhất là học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hoàn toàn khác và có nhiều bằng chứng cho thấy họ trội hơn chúng ta. Sẽ là duy ý chí và sai lầm nếu mặc định một học sinh giỏi có nghĩa là phải giỏi tất cả mọi thứ, điểm trung bình các môn đều từ 8 trở lên. Thu hẹp các môn học, mở rộng môn tự chọn tức là đã thừa nhận xu hướng tất yếu nói trên, thừa nhận mỗi cá  nhân có thiên hướng phát triển, có năng lực riêng.

Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo quan trọng này và để thực thi, ngành giáo dục sẽ phải có những bước chuẩn bị kỹ càng. Bởi ngay cả chuyện bắt buộc môn nào, vì sao lại chỉ có bốn môn bắt buộc ở cấp trung học phổ thông… cũng sẽ gây tranh luận. Nhưng với mục tiêu tốt, các tranh luận cũng chỉ giúp vấn đề thêm sáng tỏ và dự thảo thêm hoàn thiện.

MỚI - NÓNG