Hoạt động xe khách Việt Nam: 'Không giống ai'

Xe hợp đồng chở khách theo tuyến cố định của Cty Thành Bưởi đỗ trên đường Lê Hồng Phong (TPHCM). Ảnh: Bảo An
Xe hợp đồng chở khách theo tuyến cố định của Cty Thành Bưởi đỗ trên đường Lê Hồng Phong (TPHCM). Ảnh: Bảo An
TP - Dư luận gần đây liên tục lên tiếng về tình trạng xe khách chạy theo tuyến cố định đội lốt xe hợp đồng, du lịch. Đây là vấn đề nhức nhối, gây mất trật tự giao thông nội đô, bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải. Trong khi, các biện pháp quản lý hiện nay chưa có tác dụng...

Nhức nhối - cơ quan quản lý bó tay

Như Tiền Phong liên tục phản ánh, tại Hà Nội, tình trạng xe dù, bến cóc thời gian qua bùng phát mạnh. Dưới vỏ bọc xe hợp đồng, xe du lịch, các doanh nghiệp mở văn phòng, tổ chức đón khách chạy chuyên tuyến tại các tuyến phố chính của Hà Nội như Trần Khát Chân, Giải Phóng, Nguyễn Khoái. Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch cạnh hồ Gươm tổ chức gom khách lẻ chạy chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa không khác gì xe khách trong bến xe. Thậm chí, đầu đường Phương Liệt (đoạn đường Trường Chinh rẽ vào thuộc quận Đống Đa) đang tồn tại hẳn một bến cóc dành cho các hoạt động xe khách cố định trá hình này.

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong mới đây tại một số địa điểm nêu trên, tình trạng này cho đến nay vẫn chưa có biến chuyển. Thậm chí, tại đường Trần Khát Chân, tối 25/2, hàng loạt xe hợp đồng cỡ lớn vẫn ngang nhiên đỗ trên đường Trần Khát Chân để đón khách đi Quảng Bình, dù tại đây có biển báo cấm đỗ xe.

“Giải pháp cắm biển cấm xe khách tại các tuyến phố nhằm giải quyết xe trá hình, gây ùn tắc giao thông được Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo thực hiện là biện pháp hết sức cụ thể và hiệu quả. Đề nghị các địa phương áp dụng biện pháp này và xử lý nghiêm các xe vi phạm”.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Đường bộ

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, cách đây vài tháng, Tổng cục có đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm Cty Hưng Long (có địa chỉ 338 phố Trần Khát Chân, Tiền Phong cũng từng phản ánh) nhưng doanh nghiệp này khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra. Lãnh đạo tổng cục này thừa nhận: Các quy định quản lý đối với xe hợp đồng hiện nay rất khó áp dụng. “Quy định hiện nay cấm doanh nghiệp có xe hợp đồng thu tiền riêng của từng khách. Tuy nhiên, thực tiễn bản thân tôi cũng từng góp tiền từng người để thuê xe hợp đồng. Vì thế, nếu dựa vào điều này để xử lý doanh nghiệp cũng chưa thuyết phục” - đại diện Tổng cục Đường bộ nói.

Một căn cứ khác để xử lý vi phạm của xe hợp đồng là dựa vào thiết bị giám sát hành trình (xem doanh nghiệp có chạy xe lặp đi lặp lại một lộ trình hay không), vị đại diện Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để xử lý vì thực tiễn nhiều xe hợp đồng chở khách chuyên tuyến (như xe chở công nhân, học sinh theo hợp đồng và doanh nghiệp đăng ký đủ điểm đi và điểm đến). 

Trong cuộc họp với Bộ GTVT vào ngày 19/2 vừa qua, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm sửa đổi các quy định để quản lý xe hợp đồng, du lịch.

Xe khách manh mún, nhiều chi phí ngầm

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô (Vata) cho rằng, tình trạng xe hợp đồng hoạt động xe khách cố định trá hình là vấn đề nhức nhối, khó xử nhất trong hoạt động vận tải khách hiện nay. “Ngoài việc gây ùn tắc, bức xúc dư luận, bản thân các hội viên của chúng tôi cũng bất bình về việc này vì kinh doanh không bình đẳng” - ông Thanh nói.

Theo Chủ tịch Vata, trong khi xe khách trong bến bị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt, nộp đủ các loại thuế, phí và chi phí ngầm thì cơ chế quản lý xe hợp đồng lại rất lỏng lẻo. “Đơn cử như thuế, hiện nhà nước chưa quản nổi thuế của xe hợp đồng; doanh nghiệp muốn kê khai sao cũng được; người thuê xe cũng không có thói quen lấy hóa đơn. Ở các nước, người dân rất chú trọng việc lấy hóa đơn, đó là sự tự hào vì đóng được thuế cho nhà nước; thậm chí có nước áp dụng cơ chế thưởng, trả lại một phần thuế giá trị gia tăng cho người dân vào cuối năm để khuyến khích người dân cùng tham gia quản lý thuế với doanh nghiệp” – ông Thanh nói.

Chủ tịch Vata cho rằng, tình trạng doanh nghiệp rời bỏ bến xe ra chạy hợp đồng đang gia tăng và tình trạng này có nguyên nhân từ những yếu kém của loại hình xe cố định trong bến xe. “Nhu cầu người đi xe khách tăng cao, muốn được đưa rước tận nơi. Xe hợp đồng họ làm được điều đó, vì sao xe trong bến không dùng các xe trung chuyển đưa khách từ trung tâm vào bến xe? Nếu không sớm thay đổi, xe khách sẽ thua xe hợp đồng” - ông Thanh nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay: Hiện Tổng cục đang lấy ý kiến để sửa đổi nghị định kinh doanh vận tải hành khách. Trước tình trạng khó khăn về giải pháp, bà Hiền đề nghị: “Chúng tôi mong các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng xã hội hiến kế để xem xét đưa vào quản lý”.

Theo bà Hiền, vấn đề khó nhất trong quản lý vận tải nói chung và xe khách hợp đồng nói riêng là các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam quá manh mún, nhỏ lẻ. “Vận tải ở nước ta không giống với các nước tiên tiến; một gia đình mua xe cũng chạy được xe hợp đồng. Trong khi, ở các nước hoạt động vận tải là những tập đoàn lớn. Tới đây, chúng tôi sẽ quản lý theo hướng quy định số lượng xe lớn với bộ máy quản lý tập trung; các xe hộ gia đình bắt buộc phải vào các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải” – bà Hiền nói.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.