Họa sỹ Việt kiều rong ruổi vẽ Hà Nội

Ký họa “Hà Nội đen và trắng”
Ký họa “Hà Nội đen và trắng”
TP - Đã gần một năm “định cư” tại Hà Nội, dường như cái tâm và cái cảm của Etcetera Nguyễn Trường (gọi tắt là ETC), họa sỹ Việt kiều Mỹ đã có nhiều biến chuyển, nhưng riêng tình yêu với Hà Nội của anh không hề thay đổi, thậm chí ngày càng sâu đậm hơn.

Anh vẫn luôn ấp ủ nhiều dự định cho Hà Nội, trong đó có ký họa “Hà Nội đen và trắng”.

Yêu Hà Nội qua tranh của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái, họa sỹ ETC muốn đi theo tinh thần của ông, nhưng khi ở Hà Nội, anh nhìn Hà Nội đổi thay, phát triển và đã phải thú nhận: “Tình yêu Hà Nội của Bùi Xuân Phái đã dẫn dắt tôi. Nhưng Bùi Xuân Phái đã dành cả đời cho Hà Nội, tôi mới được 1 năm. Tôi nghĩ, con đường hội họa của tôi với Hà Nội còn dài dài”.

Làm báo, vẽ tranh ở Hồ Gươm


Tôi biết ETC qua những đợt tác nghiệp báo chí. Trước đây, là Tổng thư ký tòa soạn tờ báo tiếng Việt tại Mỹ mang tên Việt Weekly, ETC có nhiều dịp về nước đưa tin. Thế nhưng, ít người biết rằng, trước khi đến với nghiệp báo, anh đã từng học hội họa sau khi định cư ở Mỹ từ năm 1988 và tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật Việt (Việt Art Club, viết tắt là VAC) tập hợp một số họa sỹ Việt kiều Mỹ vẽ tranh ngoài trời.

Năm ngoái, trong những ngày chờ đợi xin cấp phép mở văn phòng thường trú của Việt Weekly tại Hà Nội, ETC đã rong ruổi khu phố cổ vẽ ký họa và làm phóng sự. 

Họa sỹ Việt kiều rong ruổi vẽ Hà Nội ảnh 1

Họa sỹ, người mẫu và ký họa chân dung ở Hồ Gươm

Các “cư dân” Hồ Gươm ban đầu tưởng rằng anh là tay họa sỹ vẽ rong khi anh lần đầu ra đây nhập hội vẽ ký họa chân dung. Anh ETC nhớ lại: “Hồi mới ra đây, mọi người nhìn tôi với ánh nhìn dò xét.

Sau rồi, mọi người hiểu, yêu thương và coi tôi như thành viên trong gia đình. Có củ khoai ngon, củ sắn nóng, họ cũng mời ăn. Mỗi lần đi tác nghiệp ở đâu về, tôi lại kể chuyện cho họ nghe. Vui lắm”.

Cây lộc vừng 9 gốc nổi tiếng ở Hồ Gươm bỗng trở thành tòa soạn lưu động của ETC và là điểm hẹn của độc giả Việt Weekly. Hồ Gươm lúc nào cũng sôi động. Khách du lịch tứ xứ, người nước ngoài, các sinh viên thực tập tiếng Anh…

Đó là một kho đề tài cho ETC khai thác cho trang báo mạng Việt Weekly, nơi thu hút các độc giả Việt trong và ngoài nước. Những khi vắng khách vẽ, ETC tranh thủ làm các video clip để đưa lên Việt Weekly. Các phóng sự của anh rất đời thường. Đó là cuộc mưu sinh quanh Hồ Gươm, là các sinh viên Việt Nam thực tập tiếng Anh với người nước ngoài…

Độc giả Việt Weekly ở Việt Nam và nước ngoài biết anh vẽ tranh ở đây cũng đã ghé thăm anh mỗi lần tới Hà Nội. Rồi những người bạn, những giáo sư nổi tiếng người Việt tại Mỹ đi chơi Hồ Gươm tình cờ hoặc chủ động gặp anh cũng trở thành những nhân vật trong các clip của Việt Weekly. Anh nhẩm tính, phải đến gần 100 clip anh thực hiện ngay tại Hồ Gươm.

“Etcetera Nguyễn Trường là một người chân thành, nhiệt tình trong công việc. Anh nhìn nhận vấn đề rất khách quan và tinh tế”. 

Họa sỹ Tô Chiêm, NXB Kim Đồng nhận xét

Vui nhất là, khi biết anh làm báo, từ anh bảo vệ, đến những người thợ ảnh, người bán hàng nước quanh Hồ Gươm cứ thấy có gì hay hay, lại gọi anh quay phim, chụp ảnh.

Chẳng hạn, gần đây, anh đang mải vẽ thì có người mách: “Cái cậu đang ngồi làm mẫu vẽ ở hàng bên là nhân vật đang hot đấy. Ca sỹ Lệ Rơi nổi tiếng trên mạng đấy, anh quay phim đi”.

Dù anh chẳng biết Lệ Rơi là ai, nhưng vẫn không bỏ qua cơ hội phỏng vấn “ca sỹ” Lệ Rơi khi anh chàng cùng cô người yêu ra Hà Nội chơi. Đoạn clip đó đăng lên Việt Weekly độc giả được bữa cười sảng khoái, vui vẻ.

Hà Nội là một cô gái bí ẩn, kín đáo

Trong gần một năm qua, ETC đã rong ruổi khắp khu phố cổ Hà Nội, vẽ được hơn 200 bức ký họa bút sắt màu nước các địa danh Hà Nội như phố cổ, cầu Long Biên, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, chùa Một Cột…

Khoảng 50% số tranh đó anh bán để trang trải cuộc sống, số còn lại anh tặng bạn bè và lưu giữ. Vì đó là tranh khổ nhỏ (30x40 hoặc 40x60cm), nên cũng không tốn nhiều diện tích lắm so với căn hộ anh mới thuê ở đường Bạch Đằng, gần Hồ Gươm.

Họa sỹ Việt kiều rong ruổi vẽ Hà Nội ảnh 2

Ký họa màu nước chợ Đồng Xuân

Anh nói: “Tôi vẫn tiếp tục đi quan sát phố và làm việc với một số họa sỹ chuyên vẽ phố ở Hà Nội như Bùi Thanh Phương, Nguyễn Thế Duy để hiểu hơn Hà Nội. Và đặc biệt, tôi dành nhiều thời gian tới các phố để chiêm nghiệm hơn là quan sát vẻ bề ngoài. Sau khi sống và làm việc ở Hà Nội được một thời gian, tôi thấy mình nên hòa nhập vào cuộc sống ở đây để tìm hiểu mạch sống ngầm bên trong…”.

ETC cho biết, anh vẫn đang tiếp tục vẽ ký họa Hà Nội phố, nhưng cố gắng tìm ra cách thể hiện riêng, có thể là “Hà Nội đen và trắng” bằng mực tàu hoặc là những bức đồ họa đen trắng phát triển từ những bức màu nước anh đã từng vẽ. Đó sẽ là những bức họa một Hà Nội nửa cũ nửa mới.

Hằng tuần, ETC dành vài ba buổi tối đi vẽ “Hà Nội đen và trắng” với chủ đề rộng hơn, không chỉ là những con phố đơn thuần, mà có khi là cả những người đạp xích lô… Và điều quan trọng, anh luôn làm mới tranh của mình bằng tình yêu Hà Nội để mời gọi thêm những người bạn họa sỹ Việt tại Mỹ về cùng tham gia dự án vẽ tranh Hà Nội mà anh ấp ủ từ năm ngoái tới giờ.

Những bức ký họa Hà Nội của ETC đã lọt vào mắt xanh của một họa sỹ NXB Kim Đồng, anh đã được mời vẽ tranh minh họa cho ba cuốn sách của NXB. Cuốn đầu tiên là “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn. Cuốn thứ hai là hồi ký “Người lính Điện Biên kể chuyện” của nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn. Và giờ anh đang tiếp tục minh họa cho cuốn sách thứ ba “Tháng ngày thương nhớ”.

Không chỉ vẽ tranh, để tìm hiểu về Hà Nội xưa, ETC cũng đã đọc nhiều cuốn sách về Hà Nội của những nhà văn nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… Bởi lẽ, anh muốn xem Hà Nội được thể hiện trong văn chương như thế nào.

Ngoài những ký họa Hà Nội phố, những ký họa chân dung người lính Trường Sa, nơi anh có may mắn hai lần tới thăm và những ngày ra tác nghiệp ở Hoàng Sa là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo của mình.

Nói về Hà Nội, ETC cho biết: “Tôi thấy Hà Nội có những nút thắt và mở mà không đâu có được. Mặc dù TPHCM là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nhưng Hà Nội mới có nhiều thứ để tôi khám phá. Hà Nội đối với tôi như một cô gái khá bí ẩn. Vẻ đẹp của người phụ nữ này khiến tôi luôn muốn tìm hiểu và cần nhiều thời gian hơn để tiếp xúc”.

Hiện giờ, ETC đang xin cơ chế song tịch, tức là vừa có quốc tịch VN và quốc tịch Mỹ để có nhiều thời gian vẽ tranh và làm báo tại Việt Nam hơn. Anh cũng mong muốn có điều kiện mở một trung tâm văn hóa để các nghệ sỹ giao lưu , có thể ở Hội An hoặc Hà Nội.

MỚI - NÓNG