Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10:

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu'

TPO - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô, ngày 5/10, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp cùng họa sĩ Ngọc Linh ra mắt bộ sách hội họa “Hà Nội tôi yêu”.

Hoạ sĩ Ngọc Linh sinh năm 1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định, Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến. Là người dân tộc Tày ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 16 tuổi, Vi Văn Bích đã theo ông cha lên ATK (An toàn khu). Kể từ khi đi theo Cách mạng, ông không dùng tên thật Vi Văn Bích mà lấy bí danh là Ngọc Linh. Sau này, ông ký lên các tác phẩm, cũng giữ tên Ngọc Linh.

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 1
Họa sĩ Ngọc Linh phát biểu tại lễ ra mắt bộ sách hội họa “Hà Nội tôi yêu”. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 2
Cầu Thê Húc Tranh: Ngọc Linh.

Họa sĩ Ngọc Linh đến với con đường mỹ thuật một cách tình cờ như duyên phận. Nhân một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ và biết được lớp mỹ thuật kháng chiến có tuyển sinh do họa sĩ Tô Ngọc Vân giảng dạy (1950-1954), Vi Văn Bích bèn quyết tâm theo học.

Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Ngọc Linh về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) từ năm 1954 cho đến khi nghỉ hưu. Trong những năm công tác, họa sĩ Ngọc Linh là thiết kế mỹ thuật cho bộ phim Chung một dòng sông, bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, kế đó là các phim Vợ chồng A phủ, Sao tháng Tám, Kim Đồng

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 3

Hồ Gươm Tranh: Ngọc Linh.

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 4

Cầu Long Biên Tranh: Ngọc Linh.

Sau khi nghỉ hưu, năm 1991, họa sĩ Ngọc Linh bắt đầu vẽ những tranh về Hà Nội bằng sơn dầu. Hà Nội dưới góc nhìn họa sĩ Ngọc Linh thật nên thơ, say đắm, với những hình ảnh được giới mỹ thuật đánh giá là có màu sắc của tranh dân gian đương đại. Đó là những bức tranh sống động về đền Ngọc Sơn tươi mới, Ô Quan Chưởng trầm mặc rêu phong, nhà thờ Cửa Bắc ẩn sau hàng cây rợp bóng trên đường Phan Đình Phùng, Văn Miếu - Quốc Tử giám như quay về thời hoàng kim với sắc vàng tráng lệ...

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 5

Nhờ thờ Lớn. Tranh: Ngọc Linh.

Họa sĩ gần 100 tuổi ra mắt bộ sách hội họa 'Hà Nội tôi yêu' ảnh 6
Nhà thờ Hàm Long. Tranh: Ngọc Linh.

Trước đây, Hà Nội đã có những bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái với những hình ảnh trầm mặc, thì nay Hà Nội có “phố Linh” tung tăng như những khúc hát đồng dao.

Xem tranh của họa sĩ Ngọc Linh, người xem cảm thấy những đường nét mộc mạc nhưng có những ẩn ý thăng hoa đầy chất thơ. Hiện thực vốn là chất liệu để họa sĩ Ngọc Linh quan sát, chắt lọc rồi chuyền tải chứ không phải để ông phụ thuộc vào.

Sau hơn 3 thập kỷ vẽ tranh về Hà Nội, họa sĩ Ngọc Linh đã cần mẫn ghi lại những góc phố, những biểu tượng của mảnh đất Thủ đô một cách sống động với những nét riêng biệt. Tất cả hình ảnh đó được chắt lọc, thể hiện bằng một tập ký họa của người họa sĩ lão thành với tên gọi “Hà Nội tôi yêu”…

MỚI - NÓNG