Hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà trọ: Vẫn phải chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các địa phương dự kiến có gần 4 triệu lao động (NLĐ) thuộc diện được ngân sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ, nhưng sau 3 tháng triển khai chính sách hỗ trợ, tới nay mới có hơn 1 triệu NLĐ được doanh nghiệp (DN) gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ, thực tế số người nhận được tiền rất thấp.

Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho NLĐ trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm có hiệu lực từ đầu tháng 4/2022. Hỗ trợ NLĐ tiền thuê nhà trọ trong tối đa 3 tháng, thời gian ở trọ tính từ tháng 4 tới tháng 6. Hạn nhận hồ sơ tới hết 15/8. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, thực tế số DN gửi hồ sơ đề nghị và số NLĐ thực tế nhận được tiền hỗ trợ chưa nhiều.

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân nhà máy trong Khu công nghiệp Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, đã thấy công ty thông báo nhận hồ sơ của NLĐ từ tháng 4. Chị nộp hồ sơ tháng 5 vừa qua, nhưng tới nay vẫn thấy công ty tiếp tục nhận hồ sơ, chưa thấy thông báo nhận tiền hỗ trợ.

Hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà trọ: Vẫn phải chờ đợi ảnh 1

Nhiều NLĐ đã nộp hồ sơ cho DN đề nghị hỗ trợ tiền thuê trọ, nhưng không ít DN chưa gửi cơ quan chức năng, nên chưa được nhận hỗ trợ

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tới nay các địa phương vẫn báo cáo chưa đầy đủ, nên chưa có số liệu thực tế giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà. Dự kiến phải đến đầu tháng 7 tới mới có thống kê sơ bộ. “Cơ bản các địa phương đang giải ngân, nhưng chưa nhiều. Do đại diện một số DN muốn tổng hợp tất cả nhu cầu NLĐ xong mới gửi hồ sơ và nhận gộp 3 tháng trong 1 lần, thay vì lắt nhắt từng tháng.

Vì NLĐ đang làm việc có thể nhận 1 lần cho 3 tháng hỗ trợ, còn NLĐ mới quay trở lại thị trường thì được giải ngân hỗ trợ theo từng tháng”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói. Ngoài ra, theo vị này, lãnh đạo các địa phương có tâm lý chờ quyết định của Thủ tướng liên quan tới hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Hiện tại, dự thảo quyết định hỗ trợ NLĐ tiền thuê nhà trọ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ rất cần chủ động, tự giác của NLĐ và DN.

Theo dự kiến của các địa phương, TPHCM có số NLĐ được hỗ trợ nhiều nhất, với hơn 1 triệu người, tổng tiền hỗ trợ trên 1,77 nghìn tỷ đồng; tiếp đến là Bình Dương (khoảng 820 nghìn NLĐ, số tiền trên 1,38 nghìn tỷ đồng); Đồng Nai (khoảng 440 nghìn NLĐ, số tiền hơn 720 tỷ đồng); Hà Nội (khoảng 228 nghìn NLĐ, số tiền trên 385 tỷ đồng); Long An (khoảng 214 nghìn NLĐ, số tiền hơn 363 tỷ đồng). Một số địa phương khác cũng có số NLĐ thuộc diện hỗ trợ như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...

Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tới nay, mới có DN tại 54 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ tới cơ quan BHXH để xác nhận cho hơn 1,2 triệu NLĐ nhằm hoàn thiện thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Có 1,15 triệu NLĐ thuê nhà đang làm việc tại hơn 20,5 nghìn DN và gần 57 nghìn NLĐ mới quay trở lại làm việc tại hơn 4,9 nghìn DN. Tuy nhiên, thực tế số NLĐ được địa phương duyệt và giải ngân hỗ trợ thấp hơn.

Ông Bùi Quốc Trinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương cho hay, tính đến ngày 24/6, toàn tỉnh mới có 19 DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 382 NLĐ và đã được phê duyệt chi số tiền hỗ trợ hơn 427 triệu đồng. Trong khi rà soát sơ bộ toàn tỉnh Hải Dương, có trên 30 nghìn NLĐ thuộc diện được hỗ trợ với tổng tiền hơn 47 tỷ đồng.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên thông tin, tới ngày 24/6, đã duyệt chi hỗ trợ cho 1 nghìn NLĐ tại 22 DN, tổng số tiền hỗ trợ trên 1,25 tỷ đồng. Còn 1,2 nghìn NLĐ đang được thẩm định, số tiền đề nghị trên 1,8 tỷ đồng. Một số DN có đông NLĐ như Samsung, Hansol... đang tập hợp hồ sơ của NLĐ, dự kiến khoảng 9 nghìn người, số tiền đề nghị hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng. “Số lượng hồ sơ lớn, thời gian thẩm định ngắn (chỉ 2 ngày), trong khi công chức phòng LĐ-TB&XH cấp huyện lại kiêm nhiều việc, nên việc thẩm định hồ sơ gặp nhiều khó khăn”, ông Hải nêu. Thái Nguyên dự kiến có trên 26 nghìn NLĐ thuộc diện hỗ trợ, tổng tiền hỗ trợ là hơn 45 tỷ đồng.

Cùng thời gian trên, Quảng Ninh mới nhận và phê duyệt hỗ trợ tiền thuê trọ cho 134 NLĐ làm việc tại 22 DN, tổng tiền hỗ trợ hơn 139 triệu đồng, dù dự kiến có hơn 49 nghìn NLĐ thuộc diện hỗ trợ, số tiền cần hỗ trợ lên đến hơn 90 tỷ đồng.

Ngân sách T.Ư chi hỗ trợ không vượt quá 6,6 nghìn tỷ

TPHCM là địa phương dự kiến có số NLĐ thuê trọ được hỗ trợ nhiều nhất, với hơn 1 triệu người, số tiền trên 1,7 nghìn tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho hay, tới ngày 28/6, các quận/huyện đã nhận được hồ sơ của hơn 185 nghìn NLĐ đang làm việc tại hơn 8,8 nghìn DN, tổng số tiền đề nghị hỗ trợ trên 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương này chưa có thông tin về số tiền đã giải ngân hỗ trợ. Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, triển khai chính sách chậm là do một số DN đợi gộp hồ sơ của NLĐ để nộp một lần; cần thời gian để DN rà soát kỹ hơn thực trạng nhà ở của NLĐ. Được biết, TPHCM đã lập một số đoàn kiểm tra việc triển khai chính sách trên của các quận/huyện.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ đề xuất nguyên tắc dùng ngân sách trung ương cho địa phương hỗ trợ NLĐ tiền thuê trọ, với số tiền không vượt quá 6,6 nghìn tỷ đồng (theo nghị quyết của Quốc hội). Bộ này đề xuất Thủ tướng phương án ngân sách trung ương hỗ trợ toàn bộ tiền cho NLĐ thuê nhà tại các địa phương với mức tối đa bằng số địa phương dự kiến và đã rà soát báo cáo Bộ LĐ-TB&XH. Nếu thực tế số hỗ trợ cao hơn dự kiến, các địa phương phải tự cân đối, hoặc báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo dự kiến của 63 tỉnh thành cho thấy, có 61 tỉnh thành có NLĐ thuộc diện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, 2 địa phương không có (Lai Châu và Điện Biên). Tổng số NLĐ thuộc diện hỗ trợ là hơn 3,85 triệu người, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 6,48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 3,36 triệu NLĐ đang làm việc tại DN phải thuê nhà với số tiền hỗ trợ trên 5 nghìn tỷ đồng; và hơn 490 nghìn NLĐ quay trở lại thị trường phải thuê nhà với số tiền hỗ trợ dự kiến trên 1,44 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG