Hỗ trợ ngư dân bám biển: Cần phải có chính sách chiến lược

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
TP - Ngày 3/6, trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM) nói rằng, lúc này phải cắt giảm những khoản chi thường xuyên kiểu như giao tế, mua sắm để có thêm tiền hỗ trợ ngư dân. Về lâu dài, chính sách phải có tầm chiến lược.

Theo ông, gói đầu tư hỗ trợ cho ngư dân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư không chỉ dừng ở con số 16 nghìn tỷ đồng mà phải hơn thế nữa?

Những biện pháp của Chính phủ trong việc đầu tư hỗ trợ ngư dân, lực lượng chấp pháp trên biển mới chỉ là biện pháp tạm thời, chưa phải là chính sách có tính chiến lược.

Tuy nhiên, 16 nghìn tỷ đồng đó ở đâu? Phải cân đối một số nguồn, nhưng quan điểm của tôi là còn nhiều nguồn cần phải cắt nữa, có thể sẽ dư thêm cả chục ngàn tỷ đồng. Đó là cắt những thứ chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, đi nước ngoài, mua sắm xe công. Cắt như vậy có thể tăng 5 -10 nghìn tỷ đồng cho tài khóa năm nay để đầu tư cho những vấn đề nóng trên biển Đông, không phải tăng bội chi. Sang năm tới, chúng ta phải tính đến một chính sách bài bản hơn.

Để chính sách hỗ trợ ngư dân mang tầm chiến lược, phải đột phá những gì, theo ông?

Có hai loại đầu tư phải làm: Thứ nhất, phải xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá mà chúng ta đã quy hoạch thành 5 khu. Hãy xây dựng ngay một khu ở miền Trung trước đã và Nhà nước phải đứng ra làm. Thứ hai, xây dựng quỹ và có định chế để có thể đóng tàu thuyền cho ngư dân thuê, mua ưu đãi. Tất cả những cái đó, phải tính dài hơi. Chính phủ nên tính toán những việc đó thật cụ thể, đến kỳ họp tới đưa ra Quốc hội quyết định.

Có ý kiến cho rằng, chính sách hiện nay còn manh mún, mang tính ứng phó?

Đa số chính sách hiện mang tính ứng phó, không bền vững. Ai cũng thấy năng suất mía, ngô và nhiều thứ nông sản rất thấp. Đơn giản không phải vì điều kiện tự nhiên mà vì phương thức sản xuất lạc hậu. Về lâu dài, phải thay đổi phương thức sản xuất.

Ví dụ ở Nghệ An lấy đất nông trường mà chia cho các hộ dân thì thất bại, nhưng nông trường TH True Milk làm lại thành công. Bế tắc là do chúng ta không mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Làm nông nghiệp chỉ với tư tưởng người cày có ruộng thì không thể phát triển.

Ông có cho rằng đây là lúc chúng ta nên đẩy mạnh tái cấu trúc nông nghiệp, trong đó có ngư nghiệp?

Vấn đề biển Đông là vấn đề lớn, cần sự đồng thuận của người dân để đầu tư hiệu quả. Còn vấn đề tái cơ cấu kinh tế để giải quyết vấn đề tự chủ kinh tế là chiến lược quốc gia, phải làm bài bản. Để tái cấu trúc nông nghiệp và ngư nghiệp, phải có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, mới phát triển được. Nếu không, nông- ngư nghiệp vẫn sẽ khó chuyển hướng, và sẽ khó thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế bên ngoài.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.