Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ 13

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ 13
TP - Ngay sau khi tướng Dương Văn Minh thay ông Hương làm Tổng thống, Polgar đề nghị Sài Gòn tiến hành cuộc tiếp xúc với đại tá Võ Đông Giang, đại diện phái đoàn Bắc Việt trong Ủy ban Quân sự Bốn bên tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, để kiểm tra phản ứng của Bắc Việt trước việc thay đổi này.
Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ 13 ảnh 1
Người dân lo sợ đòi được di tản trước sứ quán Mỹ cuối tháng 4/1975

Song chỉ nhận lại thông tin rằng, hy vọng có thể có được bình luận nào đó về việc này sau đó nhiều giờ. Cùng hôm đó, Polgar thông báo cho Đại sứ Martin biết rằng một đài phát thanh của quân giải phóng đã loan tin ông Martin kêu gọi cho tàu hải quân Mỹ vào vùng biển nam Việt Nam, nhưng không đề cập gì về cuộc di tản của tòa đại sứ Mỹ.

CIA Sài Gòn vẫn hy vọng vào một nỗ lực đàm phán ngừng bắn mới có thể bắt đầu, và ông Dương Văn Minh vẫn cố gắng tìm cách gửi một đoàn đàm phán ra Hà Nội.

Còn tại Sài Gòn, thậm chí ông Minh tìm cách liên lạc để đàm phán ngừng bắn với đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 “Nhưng tất cả các động thái không làm thay đổi được tình thế là một quyết định quân sự của Bắc Việt đối với Sài Gòn”-

Polgar cay đắng khi tin tức tình báo đổ về cho thấy, CIA chỉ còn cơ hội cuối cùng với viễn cảnh là tổ chức cho nhanh một cuộc di tản hoàn tất “trong vòng 48 giờ” mà thôi.

Polgar được Giám đốc CIA Colby ủng hộ (ông Martin phản đối di tản sớm, nên Polgar lúc này có một vài liên lạc về Washington không thông qua Martin), và CIA Sài Gòn lúc này được tổng hành dinh yêu cầu riêng tập trung vào nắm tin về sự tấn công của Bắc Việt quanh Sài Gòn, bên cạnh việc xúc tiến cho cuộc đàm phán của Dương Văn Minh với Bắc Việt, để quyết định thời điểm bắt đầu cho một cuộc di tản bằng trực thăng khỏi Sài Gòn.

Đại sứ Graham Martin lại lo nghĩ nhất về tình huống hỗn loạn ở Sài Gòn có thể làm đổ vỡ việc di tản 6.000 người Mỹ, nên ông cố câu giờ. Sự hoảng loạn có thể trở thành “kẻ giết người“  hoặc “kẻ phá đổ và làm tê liệt mọi việc,  vào giờ chót. Kế hoạch để di tản của Mỹ mang mật hiệu Talon Vise với bốn lựa chọn.

Lựa chọn thứ nhất là di tản bằng những máy bay lớn từ phi trường Tân Sơn Nhất, yểm trợ bằng quân lực Mỹ. Nhưng, mang quân đội Mỹ vào Sài Gòn lại là sai lầm lớn.

“Nguy hiểm là quân đội Bắc Việt sẽ pháo kích các sân bay. Đặc biệt, khả năng ác liệt khác là quân đội VNCH sẽ quay súng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, vào Tân Cảng, hay bắn vào chính bãi đáp trực thăng trên nóc tòa đại sứ Mỹ nữa, nếu chỉ những người Mỹ được di tản - Ông Martin viết trong mật điện rất dài gửi Kissinger. 

Tại Cần Thơ, trực thăng Mỹ phải bay trong đêm tới một khu chung cư của người Mỹ để bốc họ đi, vì viên sĩ quan chỉ huy sân bay quân sự ở đây nói với ông Lãnh sự Mỹ rằng không thể bảo đảm được kỷ luật của quân lính dưới quyền mình nếu người Mỹ cố di tản bất cứ ai ra khỏi phi cảng.

Và khi Tòa Lãnh sự Mỹ di tản, chỉ có đủ máy bay để chở người Mỹ, những lính gác Mỹ phải chĩa súng vào số nhân viên để họ khỏi tràn ngập máy bay.

Trước đó, kể từ ngày 22/4, Trưởng phân ban Đông Á của CIA Shackley phải hoạt động gần như kiệt sức ở Thái Lan để thu xếp một cầu hàng không di tản đợt đầu những người nằm trong  danh sách 3.000 người Việt cộng tác với CIA Sài Gòn mà Polgar xây dựng.

Hầu hết di tản từ Sài Gòn, một số tập trung về đảo Phú Quốc, trước khi được  đưa sang căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Lan bằng máy bay.

Mỹ đã tập hợp một đoàn hạm đội ở vùng Biển Đông cho kế hoạch di tản. Đoàn này gồm bốn hàng không mẫu hạm: Hancock, Coral Sea, Midway và Enterprise. Một đơn vị 2.200 lính thủy quân lục chiến được huy động tới bốn mẫu hạm này và những tàu hộ tống khác.

Mãi tới ngày 25/4, trước thời điểm Sài Gòn sụp đổ chỉ năm ngày, Đại sứ Martin mới nhận được ủy quyền từ Nhà Trắng cho phép tòa đại sứ Mỹ cấp  thủ tục nhập cảnh tạm nới rộng cho người Việt di tản tổng cộng 13 vạn người, tức  thêm khoảng tám vạn người thuộc đối tượng là  bà con, thân nhân của công dân Mỹ  cộng với năm vạn  người Việt có “mức rủi ro cao độ” được Wasshington đồng ý từ ngày 19/4.

Kissinger sau đó nói: “Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài Gòn còn đáng lo ngại hơn  kế hoạch tấn công của Hà Nội, Martin  đã cố gắng để cho cuộc di tản chậm hơn ý muốn của Tổng thống Ford và tôi – kẻ diều hâu trong chính phủ - cho là thích hợp”. (còn nữa).

Tô Nam
lược dịch

MỚI - NÓNG