Mới đây, dư luận Trung Quốc đã vô cùng bất ngờ trước bản hồ sơ xin nhập học của một bé trai 5 tuổi. Trong tập tài liệu 15 trang, cậu bé cho hay đã đọc hơn 10.000 cuốn sách tiếng Anh và tiếng Trung, thậm chí đính kèm ở phụ lục danh sách hàng trăm cuốn đã đọc chỉ trong năm nay, bên cạnh một bản đồ thế giới chỉ ra những quốc gia mà em từng đặt chân đến.
Ngoài ra, cậu bé tự mô tả mình là người "tự tin", "có kinh nghiệm dồi dào và phong phú". Em liệt kê hàng loạt sở thích của mình ngoài giờ học, trong đó có piano, nhảy hip-hop, bóng rổ và cờ vây.
Cùng các thành tích và sở thích, bộ hồ sơ còn nhấn mạnh những tính cách đặc biệt của cậu bé như "mạnh mẽ" và lấy ví dụ bằng việc không khóc khi đi tiêm chủng.
"Nếu tôi bị trách mắng, tôi có thể nhanh chóng điều chỉnh tâm trạng của mình và nỗ lực chuyên tâm cho việc học", cậu bé cho hay ở một đoạn trong hồ sơ có tiêu đề "Có khả năng chịu đựng thất bại", nói thêm rằng mỗi tuần mình "viết ba bài luận để bày tỏ cảm xúc".
Nhiều người trên mạng xã hội ấn tượng với những thành tích của cậu bé 5 tuổi. "Cả đời tôi dường như cũng không thể đạt được nhiều thành tích hơn đứa trẻ này", một người bình luận. Tuy nhiên, một số người cho hay bộ hồ sơ chạy đua vào trường tiểu học khiến họ cảm thấy không còn muốn sinh con.
Cuộc chạy đua vào các trường Tiểu học tốt nhất ở Trung Quốc đang ngày càng khốc liệt, thậm chí đến cả các bậc cha mẹ cũng bắt buộc phải làm một “bài thi”.
Tại trường Tiểu học dân lập Yangpu, bố mẹ phải xếp hàng để nhận “đề kiểm tra” từ nhà trường. Mỗi phụ huynh sẽ được phát một tờ đề với những câu hỏi logic khá phức tạp và họ phải hoàn thành nó trong thời gian cho phép.
Tại trường Quốc tế Ngoại ngữ Qingpu, cha mẹ cũng nhận được những câu hỏi kiểm tra trình độ học vấn và năng lực của bản thân cũng như của ông bà thí sinh. Các bậc phụ huynh đưa con đi ứng tuyển vô cùng bất ngờ và đã chụp lại các câu hỏi đăng lên mạng xã hội.
Những bức ảnh này nhanh chóng được chia sẻ và nhận nhiều chỉ trích từ cư dân mạng. Đông đảo mọi người đã lên án rằng đây là 1 hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng với những trẻ em không có gia cảnh và giáo dục gia đình tốt.
Không chỉ có bậc tiểu học, cuộc đua vào trường trung học và đại học tại Trung Quốc cũng vô cùng khắc nghiệt.
Bà Zhou, mẹ của nữ sinh Xu Jianing (học sinh nội trú 12 tuổi, vừa đỗ vào cấp 2), cho biết đã tốn rất nhiều thời gian và công sức nhằm giúp con được học trong một trường giỏi tại Bắc Kinh. Hiện nay, bà và chồng phải thay phiên nhau đưa con đến các lớp học thêm cuối tuần. Thỉnh thoảng, họ thậm chí ngồi ở cuối lớp để ghi chép phụ Xu phòng khi con gái không theo kịp chương trình dự bị.
Zhou nói bà còn giúp Xu viết bài tham dự một cuộc thi sáng tác cấp quốc gia, vì giải thưởng này được các trường cấp 2 hàng top của thủ đô đánh giá cao. “Tôi biết như thế là không đúng”, bà Zhou chia sẻ, “nhưng nếu giải thưởng này có thể giúp con tôi vào được trường xịn, tôi phải làm thôi!”.