Hồ Gươm liệu có còn tư lự...

Ảnh: Kim Cúc
Ảnh: Kim Cúc
TP - Tháng mười hai, chỉ còn vài tuần là tết dương lịch, và tôi những tưởng Hà Nội đang khá lạnh, đúng với cái-rét-Giáng-Sinh ngợp ngụa gió mùa đông bắc căm căm vào những năm tôi học ở đây, từ 1979 tới 1982, rét đến co rúm chân tay, khăn áo chẳng bao giờ đủ ấm cho dù đang đạp xe ngay giữa phố phường. 

Vậy mà, mùa đông Hà Nội 2016 chỉ man mát, chẳng khác là bao so với cái lạnh đang rất đẹp của Sài Gòn, với nhiệt độ chỉ từ 16 tới 26, vừa đủ để về đêm, phụ nữ sẽ khoác thêm những khăn áo điệu đà đã phải nằm chờ trong tủ cả năm trời, còn ban ngày thì vẫn tha hồ phong phanh với những bộ thời trang mùa hè. Thì ra biến đổi khí hậu đang dần xóa đi khoảng cách thời tiết của hai miền nam bắc, mang hai thành phố lớn của Việt Nam tới gần nhau hơn trong vô vàn sắc thái chuyển động không ngưng nghỉ của thiên nhiên.

Bước đi dưới những hàng cây ven Hồ Gươm, tôi trở lại là cô sinh viên tuổi hai mươi nhớ nhà những buổi chiều ngồi lặng yên trên ghế đá hàng giờ, đưa mắt nhìn mà không thấy mặt nước, bởi bên trong cứ vang lên câu hỏi: ở cách mình gần ngàn cây số, cha mẹ và các chị em đang thế nào, có khỏe mạnh vui vẻ không, có nhớ mình không… Mặt hồ phẳng lặng, như thể chẳng bao giờ muốn dậy sóng, có lẽ để ôm rõ nhất hình ảnh những hàng cây cứ cúi mình thật sát, giống những cặp tình nhân cứ tìm mọi cách đến gần nhau, khiến cho vẻ đẹp Hồ Gươm không bao giờ có thể ra khỏi ký ức những người đã trót tới ngồi trên những ghế đá này, đi dưới những hàng cây này, hòa trộn bản thân làm một vào cảnh quan này…

Chỉ ở đây, ngay giữa phố phường tấp nập chung quanh, bỗng có một nơi chốn mà con người và thiên nhiên tràn hết vào nhau. Bằng sự thấu cảm và cả linh giác, con người như thể nghe hiểu được ngôn ngữ của cây xanh, bóng mát, của sự bình yên êm ả không lời, và nhất là một sự Tịch Mịch tổng hòa từ tất cả. Thật khó tưởng tượng có thể xuất hiện một sự vọng động, gào thét điên rồ nhằm phá vỡ nỗi bình lặng luôn tỏa dâng trong không gian này, khiến người ta dù chưa có gì nơi đây để hoài niệm thì cũng có nhu cầu tự nhìn vào bên trong mình, để lắng đọng lại dù chỉ trong phút chốc.

Những hoa vông hoa gạo liễu rũ lộc vừng bằng lăng cơm nguội hoa ban hoa sấu… mỗi mùa mỗi vẻ, cùng với những gốc cổ thụ sần sùi rễ cái rễ con bên những u bướu lớn nhỏ, như vừa giới thiệu cũng vừa gìn giữ một quá khứ ngàn năm của Hà Nội. Nơi đây, chỉ mới cách vài năm, cụ Rùa Hồ Gươm hàng trăm tuổi vẫn còn cư ngụ và vẫn là một nhân vật rất “nóng” mà mỗi khi xuất hiện lại làm dậy sóng truyền thông, bởi vì sự sống của cụ có liên quan tới trách nhiệm gìn giữ Hồ Gươm, một bảo vật văn hóa- lịch sử.

Với tôi, chẳng cần viện đến tính chất thiêng liêng cùa một biểu tượng có tính huyền thoại của Thăng Long, chỉ cần một sinh vật đã sống hàng thế kỷ vẫn đang mỗi ngày hít thở, cảm nhận từng tiếng động từng mùi vị khác nhau của mỗi cơn gió trong những thay đổi hàng ngày của một Hà Nội đang đổi khác, cũng đủ khiến Hồ Gươm không thể lẫn lộn với tất cả những hồ lớn nhỏ danh tiếng nào khác trên thế giới.

Còn quá may mắn khi hôm nay vẫn chưa có hạng mục nào của ga tàu điện ngầm Hồ Gươm được thi công. Hồ Gươm không còn trầm mặc như thời điểm các khối bê tông đồ sộ xấu xí chưa mọc lên quanh mình nhưng dẫu sao vẫn còn những hàng cây vây bọc, vẫn còn được chở che bởi vô số nhánh cành xanh, giúp tách biệt khỏi những ồn ào thô lỗ. Nhưng tôi tự hỏi, chỉ nay mai thôi, khi ga tàu điện ngầm đã đi vào hoạt động, và với lượng khách lên xuống  hàng trăm người mỗi chuyến và không biết bao nhiêu chuyến mỗi ngày, thì liệu Hồ Gươm có còn giữ nổi cái trạng thái lắng đọng đã có tự ngàn năm… 

Những con người già trẻ nam nữ đang ngồi đây với quyển sách trên tay hoặc chỉ với những cái nhìn  tư lự, liệu có còn giữ được chút riêng tư trong tâm tưởng khi mọi chuyện rồi sẽ đổi thay, và đủ thứ ồn ã sẽ ào đến tranh mất chỗ của nỗi lặng thinh sâu thẳm của vô ngôn… Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút… liệu có tản hết cả hồn vía bởi những kinh động âm thầm từ dưới tầng sâu mười lăm hai mươi mét mà con tàu sắt thép gây ra khi liên tục di chuyển trong ngày… 

MỚI - NÓNG