Hô biến bánh trung thu ế thành bánh kẹo 'xịn'

Bánh Trung thu ế được các lò bánh kẹo mua lại để sản xuất ra bánh kẹo mới. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Bánh Trung thu ế được các lò bánh kẹo mua lại để sản xuất ra bánh kẹo mới. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Sau Tết Trung thu, các quầy bánh Trung thu trên khắp các thành phố thị tứ đã dọn dẹp xong, vườn hoa, hè phố đã được trả lại vẻ thông thoáng. Bánh ế, bánh hết “đát” đã được đưa đi chế biến thành bánh kẹo mới!

Đối với những công ty bánh kẹo lớn, sau mỗi mùa Trung thu họ đều thực hiện việc thu hồi lại bánh ế nhằm giữ giá và uy tín thương hiệu cho năm sau. Theo đó, sau khi thu hồi sẽ được bỏ hộp, bóc mác và bán cho các nhân viên trong công ty có nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi kết thúc Trung thu năm ngoái đã có không ít bánh Trung thu dạng này được các nhân viên mua thanh lý, rồi đem bán ra thị trường với giá chỉ từ 15.000- 20.000 đồng/chiếc.

Tuy vậy, dù đã bao mùa Trung thu qua, nhưng bí mật về việc xử lý “bánh ế” ra sao cũng ít khi được tiết lộ. Ngoài những cách bán hàng thanh lý cho nhân viên, số lượng bánh còn lại không hề có thông tin nào về cách xử lý số lượng bánh còn lại. Tuy nhiên, cũng chưa thấy nhà sản xuất nào công bố việc tiêu hủy bánh rầm rộ vì họ không dễ gì tự tay hủy đi tiền bạc, tài sản của mình dễ đến thế.

Năm ngoái, tại phố Trương Định hàng loạt bánh Trung thu ế, gồm những loại bánh được quảng cáo hàng công ty đã bóc nhãn và cả những sản phẩm của các xưởng sản xuất nhỏ chủ yếu tại Xuân Đỉnh, La Phù đều được bán với giá rẻ mạt chỉ từ 2.000- 15.000 đồng/chiếc. Bánh hình heo, cá… chỉ khoảng 2.000 đồng/chiếc mua 10 tặng thêm 1-2 chiếc. Tuy nhiên, người mua cũng chỉ biết chọn lựa những chiếc bánh nhìn mới và “ngon mắt” chứ không rõ những chiếc bánh này có còn hạn sử dụng hay có đảm bảo hay không.

Nhưng đáng ngại nhất là sau mỗi mùa Trung thu thì nhiều lò bánh kẹo tìm mua những sản phẩm bánh Trung thu ế để đem về bóc vỏ, nhân và chế biến lại thành các dạng bánh kẹo khác. Những sản phẩm bánh kẹo chế biến lại này sẽ chủ yếu được bán ở vùng nông thôn hay miền núi. Những loại bánh kẹo chế biến từ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, dễ bị quá hạn, ẩm mốc… thì khó có thể đảm bảo chất lượng.

Theo báo An Ninh Thủ Đô, các chủ lò bánh kẹo cho công nhân gỡ bánh ra, vỏ để riêng, các loại nhân để riêng. Vỏ bánh dẻo sẽ được thêm bột tẻ, bột sắn để làm lại thành các loại bánh dẻo rẻ tiền, nhân, vỏ bánh nướng làm bánh chả, bánh nướng nhỏ. Có thể nói nguồn bánh Trung thu đã cung cấp một lượng lớn nguyên liệu “cao cấp” để các lò thủ công cung cấp hàng trăm tấn bánh kẹo rẻ tiền cho các vùng nông thôn, miền núi vùng cao.

Hô biến bánh trung thu ế thành bánh kẹo 'xịn' ảnh 1

Bánh Trung thu ế được sản xuất thành bánh chả. Ảnh minh họa

Nhưng đáng lo hơn cả chính là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến lại. Hầu hết các bánh Trung thu ế, các chủ hàng đều bóc các vỏ hộp để lại dùng mùa sau, toàn bộ quá trình mua bán, vận chuyển đều để trần, đựng trong các thùng nhựa, thùng cát tông bẩn thỉu. Bánh mốc, bánh quá hạn không phân biệt riêng rẽ, tất cả đều được chế biến lại theo kiểu thủ công.

Hầu hết các lò bánh kẹo thủ công ở các vùng nông thôn và ngay cả trong các làng nghề không được kiểm tra kiểm soát các nguyên liệu đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra. Hiện nay tại các chợ bán buôn cũng như các hàng bán lẻ tại các chợ nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn tràn lan các loại bánh kẹo không nhãn mác, không có công bố thành phần nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm. Đó chính là kẽ hở cho việc tiêu thụ các hàng ế, hàng quá hạn, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG