Tại Hội chợ, triển lãm Quốc tế về phát triển năng lượng Việt Nam lần thứ tư (VE Expo, diễn ra từ 16 đến 18-5) tại Hà Nội, ông Junichi Kawahata, Phó Tổng giám đốc bộ phận Dự án hạt nhân, Công ty Hệ thống điện Hitachi, cho biết: Sau khi Nhật Bản được chọn làm đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân số hai tại Ninh Thuận, Hitachi đã lập bộ phận dự án Điện hạt nhân Việt Nam.
Những công nghệ hiện đại nói trên sẽ được thiết kế, giới thiệu cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Theo ông Kawahata, trước khi xảy ra thảm họa Fukushima, Nhật Bản có 54 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, nhưng hiện đã bị ngừng tất cả.
“Chúng tôi đang kiểm tra tính an toàn, cần thiết, sẽ gia cố thêm những thiết bị công nghệ mới để đảm bảo tính an toàn cao nhất. Khi đã được xác định án toàn rồi, sẽ lần lượt cho khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đang rất tích cực trong việc này”.
Đại diện của Hitachi cho biết, trong số 54 tổ máy nói trên, 20 tổ máy Hitachi tham gia trực tiếp.
Trước khi xảy ra sự cố, ba tổ máy đang trong quá trình xây dựng, tất cả của Hitachi, và đều sử dụng công nghệ ABWR.
“Qua bài học từ sự cố Fukushima, chúng tôi nghiên cứu, cải tiến thêm công nghệ. ABWR là thế hệ lò 3+, được xem là tiên tiến nhất hiện nay, có tỷ lệ hỏng hóc, sự cố trong tâm lò ít nhất từ trước tới nay về lò nước sôi”- đại diện Hitachi nói.
Theo đại diện Hitachi, qua bài học Fukushima, để ứng phó với sự cố về động đất, sóng thần, ABWR cải tiến về độ cao của nền lò, đồng thời sẽ thiết kế các cửa, đường ống tránh thấm, ngấm nước trong tổ hợp nhà máy.
Hiện Hitachi đang hợp tìm đối tác xây dựng nhà máy từ các doanh nghiệp của Việt Nam.
Hitachi cũng phối hợp với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Điện lực Việt Nam để đào tạo nhân lực, phục vụ cho quá trình vận hành nhà máy.
“Quan trọng là phải bản địa hóa lớn nhất có thể. Làm sao để người Việt Nam có thể tham thực hiện, vận hành các thiệt bị công nghệ này, đó mới là thành công của dự án” - đại diện Hitachi nói.
Về lo ngại vị trí xây dựng nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận nằm trong khu vực địa chất đứt gãy, ông Kawahata cho rằng, hiện có ý kiến về hiện tượng đứt gãy nằm dọc theo quốc lộ 1A.
Hiện một Cty của Nhật và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khảo sát, sau khi có kết luận mới có thể nhận định chính xác.
Tuy nhiên, theo ông, ở Ninh Thuận có nền đất tương đối cứng. Hơn nữa, với dự tính là mức độ động đất lớn nhất của Nhật Bản, thì công nghệ ABWR của Hitachi vẫn có để đảm bảo an toàn.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, quá trình nghiên cứu, thẩm định để cấp phép xây dựng dự án, phải mất ba năm. Như vậy, để năm 2017 xây dựng, nếu được chọn là nhà cung cấp, nhà thầu, mọi công việc, từ hồ sơ, quá trình phê duyệt, phải từ năm 2014.
Lưu ý
Từ những thảm họa ở Fukushima, đại diện Hitachi cũng lưu ý: Để tránh được những thảm họa, sự cố phải có tổng thể nhiều biện pháp khác nhau, đa tầng, nhiều góc độ.
Tuy nhiên, từ sự cố ở Fukushima, cần phải nâng nền lò lên cao hơn để úng phó với sóng thần.
Cùng đó, do hiện tượng mất nguồn điện, nên xảy ra hàng loạt sự cố khác, vì vậy phải đảm bảo nguồn điện dự phòng trong bất kỳ tình huống nào; có nguồn nước dự trữ đảm bảo để làm mát lò trong trường hợp khẩn cấp.