Hilton Hỏa Lò - Một chuyện hy hữu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông giám thị Trại giam Hỏa Lò Nguyễn Hoắc biệt dương thế đã vài năm rồi! Mỗi bận vô tình đảo qua bức tường đá hộc gắn mảnh chai lởm chởm tại Khu di tích Hỏa Lò ở phố Bông Nhuộm, lại dấy lên bao bồi hồi…
Hilton Hỏa Lò - Một chuyện hy hữu ảnh 1

Ông Giám thị Nguyễn Hoắc và Đoàn làm phim

Bồi hồi của một quá vãng giăng chật nhiều kỷ niệm. Những năm sắp giao thừa, ông ới để cùng đi chúc Tết… tù nhân ở các buồng giam. Rồi vài lần ông kêu đi coi mấy vụ hành quyết tử tù, để rồi ám mãi cái cảm giác khiếp hãi. Và khó quên được lần hiếm hoi ấy, ông cho người nhắn đến Trại giam Hỏa Lò thời điểm sắp chuyển địa điểm mới (Cầu Diễn bây giờ), tháng 3/1993. Một việc hy hữu mà không hiểu sao chỉ mỗi một ký giả là tôi được chứng kiến?

Đó là khi Đoàn điện ảnh của Hoa Kỳ đương thực hiện bộ phim “Việt Nam, Tết hòa giải”. Phim trường là toàn cảnh trại giam Hỏa Lò nguyên vẹn từ thời Pháp cùng các buồng giam. Diễn viên là hàng chục phi công Mỹ từng trải qua, người lâu thì 8-9 năm, mới thì vài tháng tại Trại giam Hỏa Lò. Cái trại giam ám ảnh ấy từng được các giặc lái Hoa Kỳ gọi hài hước với biệt danh Khách sạn Hilton hay Khách sạn Vỡ Tim.

Tôi may mắn được ngồi chuyện với đạo diễn bộ phim, râu ria tươi tốt có tên Punman. Có vẻ là một người cởi mở với truyền thông khi ông bộc bạch rằng, tên phim có thể sẽ là Vietnam pow a final Hearing (Lời chứng cuối cùng của tù binh Mỹ ở Việt Nam). Và chẳng rõ Punman nói trúng trật tới đâu (nhưng tôi tin) phim sẽ được công chiếu trên một số kênh truyền hình của Hoa Kỳ và là tiếng nói góp phần vào việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ!

Ngạc nhiên thêm khi ông đạo diễn có vẻ đắc ý tuột ra cái ngón nghề mà ông đã tính toán rất kỹ. Đó là việc đưa hơn hai chục vị từng ở Khách sạn Hilton thẳng từ Nội Bài về đây. Xong việc mới ghé khách sạn nghỉ ngơi! Hóa ra ý định của tay đạo diễn Punman này cũng khá cao tay? Rằng từng cách biệt Việt Nam xa cách Hỏa Lò - Hilton ngần ấy năm, ống kính sẽ chộp được khoảnh khắc những nỗi niềm tâm trạng các “diễn viên” của mình.

Punman mau chóng kết thúc câu chuyện và hối một người thấp nhỏ mặc bộ đồ màu hơi tối vào việc. Trời đất ơi, mãi một lúc lâu tôi mới ngờ ngợ hình như cái người này là trung úy Alverez, người có thâm niên lâu nhất trong số hàng trăm phi công bị giam ở Hỏa Lò. Chuyện Alverez bị bắt ở Hòn Gai ngày 5/8/1964 khi đó mới 26 tuổi, giới truyền thông đã đề cập đến nhiều, khỏi cần nhắc thêm.

...Theo kịch bản, Alverez xăm xăm sải những bước dài từ cổng. Rồi dừng lại trước buồng giam số 6. Khuôn mặt rám nâu toát lên vẻ ưu tư khi thì tở mở. Sải chân ngập ngừng khi dồn bước… Punman quát mọi người lui ra đắc chí bấm máy chắc mẩm chẳng cần phải dặn dò gì thêm bởi người tù có thâm niên lâu nhất sẽ thuần thục mọi thứ.

Bỗng Alverez lắc đầu quầy quậy rồi quay ra. Punman cáu kỉnh đóng máy. Sao vậy? Thì ra Alverez nhầm buồng. Alverez chỉ tay lên cái cửa sổ tầng 2 (phòng bên không có cửa sổ). “Sao biết?”, Punman truy. “Vì thi thoảng cái anh công an Việt Nam ở tầng trên vẫn ném kẹo và thuốc lá Trường Sơn xuống cho tôi mặc dù anh ta không được phép làm như vậy”.

Punman chưa tin. Ông yêu cầu một vị dáng chững chạc (sau này tôi mới biết đó là Donovance, phụ trách MIA - Trưởng đoàn tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam có mặt trong Đoàn làm phim vốn rất thông thạo đường ngang ngõ tắt Hỏa Lò nơi từng giam giữ phi công Mỹ. Nhân đây cũng nói thêm, thời điểm Đoàn làm phim tới Hỏa Lò trong đoàn làm phim cũng đã có vài “tai mắt” nghi ngờ rằng, Việt Nam đang còn giam giữ phi công Mỹ! Hơn một năm sau, họ còn đòi tới kiểm tra vài nơi nhạy cảm khác nữa cơ mà?). Khi được hỏi, ông Donovance xác nhận đúng căn buồng giam của Alverez.

Hilton Hỏa Lò - Một chuyện hy hữu ảnh 2
Trung úy Alverez (bìa trái) và cha con Benjamin Purcell. Ảnh: Xuân Ba 3- 1993

Lần lượt những Thượng nghị sĩ Thoressnec tiểu bang Washington vốn là thiếu tá không quân từng bị giam buồng số 3 Hỏa Lò cũng thực hiện động thái như Alverez. Rồi đến trung tá Benjamin Purcell tù nhân Hỏa Lò hiện là nhân vật có thế lực trong giới kinh doanh ở Hoa Kỳ. Khi đoàn của Benjamin Purcell dừng ở BangKok, Thái tử Thái Lan đã mời cơm thân mật Benjamin Purcell và cô con gái cưng.

“Chuẩn bị máy!”. Sau tiếng hô nhỏ của Punman, cái dáng cao lớn của Benjamin Purcell bứt lên trước. Cũng giống như Alverez, hình như gặp lại chốn lao tù cũ qua khoảng sân gạch xuyên dọc vườn hoa, các khách cũ của Khách sạn Hinton dường như không tự chủ được thì phải? Benjamin Purcell bỗng quay lại nắm lấy tay cô con gái của mình. Cả hai bước như thôi miên về phía một căn phòng kín cửa.

Chất giọng của người cha vang lên rành rọt. “Con gái của ba, căn phòng này ba và các các bạn ba đã ở hơn 2 năm…” (Sau này tôi biết thêm Joy, tên cô con gái của trung tá Benjamin Purcell khá xinh đang làm cho một Hãng truyền hình tư nhân). Khi nghe người cha nói câu ấy, Joy mỉm cười nhẹ rồi trân trối nhìn vào cánh cổng sắt mới sơn lại có móc cái khóa to sù. Rồi bỗng bờ vai bé nhỏ của cô rung lên. Joy bật khóc nức nở. Cô không kịp lấy khăn tay mà cứ để trên khuôn mặt mịn màng của mình nhòe nhoẹt nước mắt và dùng tay quệt lia lịa. Cô gái sau một hồi nức nở, chừng như không chịu được nữa, cô chạy ào vào phòng làm việc của ông thượng tá Hoắc. Ông thượng tá chứng kiến cảnh đó ngay từ đầu đã nhanh chóng ngoắc một nhân viên nữ của mình mang cho Joy một cốc nước lạnh.

Tôi đã có may mắn ngồi lại với cha con Benjamin Purcell một lúc nhờ người phiên dịch cho đoàn làm phim tên là Trần Vân giúp đỡ. Cũng nói qua về người phiên dịch hơi bị lạ này.

Trần Vân quốc tịch Mỹ. Ông nguyên là một yếu nhân của Bộ Xây dựng của chánh quyền Saigon đồng thời là phụ tá của Tổng thống Thiệu về kỹ thuật xây cất. Hòa đàm Ba Lê, Trần Vân là thành viên của Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa.

Và một sự lạ. Sau 1975, Trần Vân đã về Việt Nam trên cả chục lần. Liên tục hô hào chính phủ Mỹ bỏ cấm vận bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vì quá hăng hái tỏ rõ quan điểm của mình, Trần Vân đã bị bọn quá khích khủng bố và ám hại chết hụt mấy lần. Lần cuối ông bị bắn phải điều trị mấy tháng trời. Nghe tin có Đoàn làm phim về VN, Trần Vân tình nguyện đi phục vụ đoàn.

Câu chuyện của viên trung tá Benjamin Purcell khiến tôi sững sờ. Bởi nó lạ. Bởi lần đầu mình được nghe. Chả thể tưởng tượng ra trong những năm bom đạn và mạng lưới an ninh nghiệt ngã, bít bùng ấy lại có những cuộc vượt thoát cực kỳ hi hữu của một tù nhân phi công Mỹ?

...Từ trại giam Hỏa Lò, Benjamin Purcell chuyển xuống trại giam Cầu Bươu thuộc Thanh Trì (Hà Nội). Ben và một nhóm phi công nữa luôn ôm ấp cháy bỏng ý đồ vượt ngục. Nhưng cực kỳ nan giải. Trại giam luôn được canh gác cẩn mật. Bản đồ không có. Thằng nào cũng to đùng to đoàng, thò mặt ra là lộ ngay. Tình cờ Benjamin Purcell biết được trại giam này chỉ cách Hà Nội hơn 10 cây số. Và sẽ thế nào khi tọt được vào một sứ quán hay lãnh sự quán của một nước không thuộc phe XHCN?

Hilton Hỏa Lò - Một chuyện hy hữu ảnh 3

Trung úy Alverez

Nhưng thoát và lên Hà Nội bằng cách nào? Viên trung tá nghiền ngẫm một kế hoạch. Chỉ cần thoát ra, giả làm chuyên gia quân sự Liên Xô bị lạc đường gì đó (?!). Nhưng phải võ vẽ tiếng Nga. Benjamin Purcell nhờ một bạn tù thạo thứ tiếng này bày cho. Thấy Benjamin Purcell chăm chỉ luyện tiếng Nga, cánh bạn tù ngỡ cha này rỗi hơi giết thời gian thôi. Còn mấy chú lính gác bắt gặp Benjamin Purcell bập bẹ thứ tiếng của phe ta thì tỏ ra thích thú! Nhưng rồi Benjamin Purcell thấy kế hoạch này không ổn. Có lẽ phải tìm cách khác.

Và Benjamin Purcell đã tìm ra. Đó là một đêm trời bùng cơn giông dữ dội. Ơn Chúa, tốp lính gác quá mệt mỏi vì mấy ngày oi nóng có trận mưa giải nhiệt. Và cũng chả có ai nghĩ rằng, có thằng giặc lái nào dám trốn. Mà trốn đi đâu cơ chứ? Benjamin Purcell căng mắt ra bên ngoài. Mươi, rồi ba mươi phút im lặng. Benjamin Purcell nhẹ nhàng lôi trong tấm chăn bộ quần áo tù kẻ sọc đã lộn trái mặc vào người. Trong phòng giam có người thức và biết Benjamin Purcell sắp làm gì rồi. Nhưng Benjamin Purcell là cấp chỉ huy cao nhất ở đây. Ơn Chúa, tiếng sấm đã át được âm thanh chiếc khóa cửa đã cũ Ben vừa giật ra. Là một sĩ quan có bộn giờ bay nên Benjamin Purcell khá thành thạo phương hướng kể cả dưới mặt đất.

Chuyện biên ra thì dài nhưng tóm tắt đại để. Benjamin Purcell không theo đường cái số 1 mà lội tắt vào nội thành. Lại may mắn vớ được cái nón của hai người dân đi bắt cá bị gió thổi bay. Nón rách tướp đội đầu. Bộ quần áo lộn trái sũng nước. Benjamin Purcell cứ men theo ruộng dọc đường nhựa. Tôi cũng hình dung ra lộ trình khá ranh ma của Ben. Đến ngã ba Giáp Bát, Benjamin Purcell không theo đường số 1 qua Bệnh viện Bạch Mai, công viên Thống Nhất mà rẽ sang đường chợ Mơ lên Phố Huế rồi vòng qua Bà Triệu.

“Sao ông đi lối đó, ông biết đường ư? “Không hoàn toàn tình cờ. Tôi phân vân trước cái ngã 3 đó nhưng tôi tin đường tắt này cũng vào nội thành được. “Mà sao ông biết Lãnh sự Pháp ở đường Bà Triệu?” Ben cười: “Ở căn cứ chúng tôi ai cũng thuộc lòng...”. Nhiều lần tiếp cận với Tòa Lãnh sự Pháp ở Bắc Việt Nam trên phim ảnh nên Ben đã nhận ra ngay cổng chính. “Chân tôi lúc đó muốn khuỵu xuống vì hồi hộp. Tự do muôn năm! Tạ ơn chúa!”. Lúc này mưa đã tạnh. Đường rất vắng. Bỗng thốt nhiên có ánh đèn pha. Âm thanh phanh gấp của một chiếc xe jeep rợn người. Rồi Benjamin Purcell bị lôi tuột lên xe. Lúc ấy là 5 giờ sáng ngày 12/7/1969!

Từng biệt giam ở Hỏa Lò. Nhưng Benjamin Purcell vẫn không thui chột ý đồ tìm tự do. Chuyển về trại giam Đạo Trụ ở Vĩnh Phú một thời gian. Tại đây, đêm 19/3/1972, Ben cũng thoát ra được. Nhưng không tìm về Hà Nội mà ra hướng biển (!?) Loanh quanh thế nào Ben lạc vào một đội hình đơn vị bộ đội đặc công đang diễn tập!

MỚI - NÓNG