Hiệp sĩ 3D và đèn lồng Việt

Ông Huỳnh Văn Khánh Ảnh: Trần Thanh
Ông Huỳnh Văn Khánh Ảnh: Trần Thanh
TP - Huỳnh Văn Khánh được gọi là hiệp sĩ của in offset, 3D và đèn lồng ở Việt Nam với nhiều loại máy móc hiện đại do ông chế tác bằng sự sáng tạo và cả táo bạo. Ông đang tất bật chuẩn bị hoàn thành hàng ngàn chiếc đèn lồng dự kiến treo ở nhiều tuyến phố Hà Nội dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tiền Phong Cuối tuần trò chuyện cùng ông Huỳnh Văn Khánh - Giám đốc Cty Kỹ Thuật Mới.

Hồi trước tôi làm điện báo cho Thông tấn xã Giải phóng. Thống nhất đất nước, về làm nhà máy in tổnghợp, giám đốc Cty in LIKSIN và xí nghiệp in số 2 của Sở VHTT TPHCM. Xí nghiệp số 2 đang bên bờ phá sản. Tôi về đó 5 năm, xí nghiệp lên nhanh và mạnh, xí nghiệp và tôi đều được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Đang có đà thì tôi bị tai nạn giao thông gãy xương hàm, gãy bàn tay, gãy ống chân, giập sườn. Tôi nghỉ hưu lúc 55 tuổi, sang Đài Loan chữa trị. Ở đó, tình cờ tôi đi đường nhìn thấy cái quạt nhựa (quạt tay), soi kỹ thì hóa ra họ in offset thẳng lên nhựa chứ không phải dán giấy. Tôi học lỏm từ một cơ sở ở Đài Nam, rồi về nước mở Cty. Năm anh em bạn bè bỏ ra 600 triệu đồng mua máy móc cũ. Sau 6 tháng, lỗ 700 triệu đồng, coi như đứt bóng luôn.

Bạn bè buồn bã rút vốn ra khiến tôi phải thế chấp nhà cửa trả hết cho họ. Tôi tiếp tục làm, đặt hàng nước ngoài 2.000 tờ lịch 3D để mình học lỏm, nhưng họ gửi tới 18.000 tờ và 2.000 bản kẽm. Hồi đó nhập văn hóa phẩm nước ngoài khó lắm, xin mãi tôi mới nhập được số lịch ấy. Theo hợp đồng họ gửi cả phim lẫn bản kẽm, nhưng họ cố giấu nghề nên chỉ gửi bản kẽm. Trong cái rủi có cái may. Tôi thấy kẽm của họ khác mình, mà ở ta từ trước đến giờ in được một số lượng nhất định thì phải thay kẽm. Lỗ là do cái đó, và khâu then chốt là phải xử lý bản kẽm. Chúng tôi xử lý thành công, nhờ vậy in được trên nhựa, làm tranh 3D, in trên metal light (như kiểu nhũ vàng). Tôi đi lên, mua được xưởng riêng, lãi cao hơn.

Anh có thể nói về sản phẩm đèn lồng của Cty?

Lồng đèn của chúng tôi sản xuất trên dây chuyền công nghiệp chứ không phải thủ công. Đèn do KTS Hà Văn Lô thiết kế, hiện có hơn 100 mẫu. Xuất sang được một số nước, nhưng phần lớn là người nước ngoài sang tham quan rồi đóng gói gửi về nước.

Trong dự án đèn lồng ngàn năm Thăng Long, anh nhắc tới một khái niệm: đèn lồng Việt. Người Việt có văn hóa đèn lồng thật không?

Tôi luôn thắc mắc, người dân mình tại sao triền miên treo đèn lồng nước ngoài. Sao không có những họa

Hiệp sĩ 3D và đèn lồng Việt ảnh 1

tiết và hình khối của Việt Nam? Tôi bàn với KTS Hà Văn Lô, và trong ba năm, anh Lô vẽ hàng chục mẫu, cuối cùng chọn được 5 mẫu ưng ý về Thăng Long ngàn năm, đó là hình khối của Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, hoa sen, hoa đào... Những sản phẩm này là trước mắt. Còn lâu dài, tôi muốn có được sự đồng thuận xã hội để tạo nên văn hóa đèn lồng Việt. Người Việt có văn hóa đèn lồng chứ.

Hội An là ví dụ. Nhưng đèn Hội An bị khống chế trong cái khung tre và gỗ, không bung ra được, chỉ có 9 mẫu. Còn đèn hiện đại nhờ các mô-đun nhựa nên thoải mái sáng tạo về hình thức. Tôi đọc báo thấy hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình dịp Tết vừa rồi vận động dân treo đèn lồng. Rốt cục, toàn đèn Trung Quốc. Lễ hội bà chúa Xứ - An Giang cũng thế. Xây dựng văn hóa đèn lồng Việt có thể không phải trong 2- 3 năm, mà là 10- 20 năm, có thể tôi không kịp góp sức, nhưng đó là tình cảm của tôi. Nếu đại lễ 1.000 năm Thăng Long mà treo đèn nước ngoài thì quả là rất buồn.

Thị trường phía Bắc đón nhận đèn lồng của anh thế nào?

Tại TPHCM mãi lực vẫn mạnh hơn. Với lồng đèn trang trí thì giới Phật giáo đón nhận tốt. Dịp Vesak, đèn lồng chúng tôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Đèn trời đã bị cấm, hoa đăng dưới nước thì phập phù và phần nhiều vẫn do nước ngoài sản xuất. Nói chung trên trời dưới nước là khó cho đèn rồi, còn trên cạn nếu không có đèn, hoa, cờ xí thì Thăng Long e chừng thiếu không khí lễ hội. Anh nghĩ thế không?

Ba năm qua, chúng tôi sản xuất khoảng 7.000 đèn Thăng Long, nhưng cứ để trong kho chứ chưa đưa ra

Hiệp sĩ 3D và đèn lồng Việt ảnh 2

thị trường. Chúng tôi nghĩ tới mấy phương án: huy động các nhà tài trợ để treo đèn tập trung trong những khu nhất định, vận động dân chúng ở mặt phố treo mỗi nhà một cái. Đó là bước khởi đầu nhằm tạo ý thức dùng đèn lồng Việt về sau. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham dự lễ hội đèn lồng do Bộ VHTTDL tổ chức vào rằm trung thu trên mặt nước hồ Thiền Quang.

Nghe nói, gần chục năm nay, anh đều đặn dành 100 triệu đồng/năm để xây nhà tình nghĩa?

Tôi là thành viên ban công tác xã hội của câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, nên cứ rảnh rỗi là làm từ thiện. Tôi không phải đại gia có thể tung ra một lúc hàng chục tỷ. Mình làm công tác xã hội trong thực lực mình thôi. 5 năm liền chúng tôi được công nhận là doanh nghiệp Sài Gòn tiêu biểu. Giải này có giá trị vì không phải đóng tiền mới trao. Cty Kỹ Thuật Mới có chi bộ, chi đoàn hoạt động rất tốt. Toàn công ty và chi nhánh có khoảng 170 nhân viên, với mức lương trung bình đạt 4 triệu đồng/người.

Hồi anh cầm cố nhà cửa, vợ con phản đối gì không?

Bà xã tôi làm công tác Đảng, không biết làm kinh tế. Vợ chồng tôi không có con, chỉ nhận một đứa con gái về nuôi, khổ nỗi nó cũng ngơ ngơ ngác ngác không được bình thường. Bây giờ tôi cũng được hai đứa cháu ngoại. Bà xã tập trung nuôi hai đứa cháu, còn tôi dồn hết tâm tư vào công việc.

Nói tới Huỳnh Văn Khánh, hầu như người nào trong ngành in cũng biết tiếng. Nghe rằng anh sáng chế ra nhiều loại máy móc?

Tôi đã làm ra máy POPP (máy cán lớp bảo vệ bìa sách) sau khi đi tham khảo một số quốc gia. Đơn giản mà hiệu quả kinh khủng. Sau khi tôi sản xuất, hiện, Việt Nam có cả ngàn máy đó, sang cả Campuchia nữa. Hồi trước tôi đưa dăm bảy cái cho bạn bè ở Hà Nội, bây giờ họ thành đại gia hết luôn, như Định râu, Điệp, Lâm... Tiếp theo tôi chế ra máy láng UV, và được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người đầu tiên ở Việt Nam in 2D, 3D trên máy offset. Bí quyết tôi đơn giản thôi: các bạn tự đặt câu hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi đó. Tại sao máy offset in giấy được mà in nhựa không được? In trên giấy thì cái giấy nó thẩm thấu hút mực, còn với nhựa thì mực chỉ nằm trên bề mặt, mực không khô.

Khắc phục bằng cách nào? Dùng khí nóng, dùng tia UV thổi vô, và phải dùng mực UV. Vẫn không được thì phải tạo lỗ li ti mắt thường không thấy lên bề mặt nhựa, chúng sẽ trở thành những ổ chứa mực, dính ngay. Thậm chí, tôi táo bạo dùng máy offset in trên vải... Gần đây, tôi chế tạo máy làm lò xo đóng cắt. Trước đây ta phải nhập máy này của Trung Quốc giá khoảng 12.000 USD. Máy của tôi có tốc độ nhanh gấp ba lần, chạy êm hơn, sản phẩm ít lỗi hơn, giá rẻ hơn. Sắp tới sẽ chào bán tại hội chợ quốc tế ở Trung Quốc.

Anh có chuyển giao công nghệ in 3D, làm đèn lồng cho nhiều doanh nghiệp khác không?

Họ cũng làm rồi, tất nhiên tôi có những bí quyết riêng. Ngay cả in lụa, nhiều người làm. Nhưng lụa ở chỗ tôi là khác. Sáng tạo ra các loại thiết bị giúp tôi đi trước họ một bước về công nghệ...

In trên nhiều chất liệu có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của máy in?

Ảnh hưởng chứ. Độ đồng đều của mặt phẳng nhựa không cao như giấy. Nhựa của Nhật, Mỹ đồng đều hơn, nhưng nhập của họ mà in thì giá đội lên trời ngay.

Anh đặt ra tiêu chí gì cho cái tên Kỹ Thuật Mới?

Chục năm trước, có anh chàng người Đức sang chào bán máy tráng UV. Đợi cho anh ta thuyết minh thật đã, tôi mới bảo: Máy ông rất hay nhưng VN làm được rồi. Anh ta hỏi máy tôi chạy được giấy gì. Tôi trả lời, máy tôi chạy được giấy 80 gram trở lên. Anh ta lắc đầu No, no. Máy của anh ta chỉ chạy được 120 trở lên, vì dưới 120 giấy mỏng quá. Tôi dẫn anh ta lên xem máy chạy giấy 80. Anh ta đi quanh máy mấy lượt, tìm hiểu rất lâu. Lúc đó, tôi cười cười: Bí quyết ở đây. Đó là sợi dây nhỏ nhất của đàn guitar (dây mí). Khi tờ giấy chạy qua, sẽ bị dây đàn tách ra, rồi có vòi của máy bơm hơi thổi tờ giấy nằm thẳng trở lại. Tôi giải thích xong, anh ta ôm chầm rồi nhấc bổng tôi lên. Năm nào chúng tôi cũng phải có sản phẩm mới, công nghệ mới. Nếu không ra được, coi như thất bại.

Cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG