Hiện thực tàn khốc của báo chí chiến trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có một bộ phim lặng lẽ ra rạp vào tháng 4 vừa rồi mang tên Civil War. Với tựa Việt Ngày tàn của đế quốc, phim tạo ấn tượng ban đầu là một bom tấn hành động, cháy nổ đặc sản Hollywood nhưng hóa ra, đây là một bộ phim nói rất sâu về chủ đề báo chí, với trọng tâm là thể loại nhiếp ảnh chiến trường.

Trước đây đã có rất nhiều bộ phim miêu tả sâu về đời sống người làm báo. Ngoại trừ The French Dispatch của Wes Anderson là một bức tranh lãng mạn về tòa soạn cùng những chuyến phiêu lưu kỳ thú của người làm báo tại Pháp, còn lại các bộ phim khắc họa báo chí đều có phần... nghiêm túc quá, chủ yếu tường thuật lại quá trình điều tra trên bàn giấy. Tuy được đánh giá cao nhưng khó có thể làm thỏa mãn trải nghiệm người xem.

Hiện thực tàn khốc của báo chí chiến trường ảnh 1

Phía sau hậu trường Civil War

Với Civil War, đạo diễn người Anh Alex Garland đã khai thác tối đa tiềm năng điện ảnh của phóng viên chiến trường, những người trực tiếp làm việc dưới làn mưa bom bão đạn, luôn phải đối diện với tử thần. Bộ phim không chỉ khắc họa hiện thực tàn khốc mà còn tôn vinh lòng dũng cảm và sự kiên định của những con người mang ánh sáng sự thật đến cho thế giới.

Đời nhà báo được khắc họa chân thực

Một cuộc nội chiến diễn ra tại nước Mỹ. Người cùng một nước chia thành hai phe Đông - Tây, mỗi bên tập hợp lực lượng quân sự để đánh giết lẫn nhau. Đó là bối cảnh tương lai giả tưởng đen tối được vẽ ra trong Civil War.

Thời điểm cuộc chiến sắp đến hồi hạ màn, một nhóm phóng viên chiến trường gồm một nữ phóng viên ảnh kỳ cựu, một tay phóng viên bất cần đời, một cây viết già và một cô nhóc 15 tuổi đam mê nhiếp ảnh chiến trường đã cùng nhau lên đường tiến vào thủ phủ Washington để ghi lại khoảnh khắc Nhà Trắng thất thủ.

Hiện thực tàn khốc của báo chí chiến trường ảnh 2

Civil War (2024) mang đến góc nhìn chân thực về công việc của phóng viên chiến trường

Bốn người trên một chiếc ô-tô thẳng tiến trên chặng đường dài, biết rằng trước mắt là vô vàn hiểm nguy nhưng họ không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử.

Trước hết, Civil War đã miêu tả rất thực tế về đời nhà báo. Họ có kỹ năng sinh tồn điêu luyện, sẵn sàng ăn ngủ bất kể điều kiện khó khăn. Họ cũng là người quảng giao khéo léo, biết dùng lời nói để tạo lợi thế cho mình. Và đặc biệt, nếu đã là phóng viên chiến trường, kỹ năng tối thiểu bạn phải có là không-được-chết.

Trên chuyến đi, nhóm phóng viên liên tục đối diện với các tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Trong một đất nước loạn lạc vì chiến tranh, bất cứ ai cũng có súng và sẵn sàng ý định giết chóc, tấm thẻ PRESS (báo chí) đóng vai trò như là kim bài miễn tử cho cánh nhà báo.

Hiện thực tàn khốc của báo chí chiến trường ảnh 3

Những tấm hình gây ám ảnh qua ống kính của Jessie

Dẫu vậy, vẫn có lúc nòng súng chĩa về phía họ. Không phải bức ảnh nào cũng có thể được đưa ra ánh sáng. Có một tình huống trong phim, nhân vật nữ phóng viên kỳ cựu đề nghị chụp ảnh lưu niệm cho một tên sát nhân chỉ để “dĩ hòa vi quý”, nhằm bảo toàn mạng sống cho bản thân và đồng đội.

Xuyên suốt 2 tiếng thời lượng, người xem luôn bị đặt trong trạng thái căng thẳng lên đến đỉnh điểm, lo sợ thay cho nhóm phóng viên trước tình cảnh cái chết luôn lơ lửng trên đầu. Không chỉ từ làn mưa bom bão đạn hay những kẻ sát nhân máu lạnh, cái chết còn len lỏi bên trong trái tim của người phóng viên chiến trường.

Nhân vật chính của phim là Lee Smith, một nhiếp ảnh gia chiến trường kỳ cựu với dáng vẻ gai góc, vô cảm. Xuyên suốt hành trình bộ phim, lớp vỏ cứng rắn của Lee dần được bóc tách ra như để tìm kiếm phần nhân tính còn lại bên trong một nhiếp ảnh gia đã trải qua biết bao giông tố trên chiến trường. Từ đó, người xem được biết nguyên nhân từ đâu, do đâu mà những con người này lại chọn theo đuổi công việc nguy hiểm đến vậy.

Cái giá của sự thật

Nhiều người dè bỉu công việc của cánh phóng viên, nhiếp ảnh gia chiến trường không khác gì một lũ kền kền kiếm sống trên xác người khốn khổ. Trong một bộ phim tài liệu nói về tính chân thực của nghề báo được khắc họa trong Civil War, được thực hiện bởi đài DW, phóng viên ảnh kỳ cựu John Moore cho rằng thực ra chính phóng viên mới là người có nhân tính nhất trên chiến trường.

“Phải cảm nhận được sự đau đớn, phải rung động vì nỗi bất hạnh thì họ mới có động lực bước ra trận địa hiểm nguy ngoài kia để tác nghiệp, đó gần như là một hành động mang tính phụng sự cho sự thật”, ông nói.

Lee Smith hiểu rõ điều này hơn ai hết. Hàng đêm, khi nhắm mắt lại, trong đầu cô hiện lên những thước phim kinh hoàng đã diễn ra trước ống kính máy ảnh trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ. Cô đã làm công việc này đủ lâu để biết rằng việc tiếp xúc với cái chết thường xuyên làm tâm hồn trở nên chai sạn.

“Đấu tranh với các câu hỏi đạo đức không phải là việc của nhiếp ảnh gia chiến trường. Nhiệm vụ của họ là ghi lại hình ảnh và để cho người khác đặt câu hỏi”, Lee giải thích với cô học trò Jessie. Câu nói của Lee đem đến cách hình dung rõ hơn về công việc nhiếp ảnh gia chiến trường. Tuy nhiên, đạo diễn Alex Garland vẫn chưa muốn dừng lại ở đây. Ông muốn chứng kiến một nhà báo bị đặt vào giới hạn tận cùng của đạo đức.

Jessie hỏi lại Lee: “Nếu cháu bị trúng đạn, điều đầu tiên cô làm sẽ là gì? Cứu cháu hay đưa máy ảnh lên chụp?”. Câu hỏi như để đánh thức trái tim đã chết bên trong Lee, khiến cô lúng túng không trả lời ngay được.

Theo đuổi con đường báo chí chiến trường, có người chỉ vì nghiện cảm giác mạnh, cũng có kiểu người như Lee, sau nhiều năm phơi nhiễm trước những hình ảnh kinh khủng, trái tim của họ dần hóa thành hòn đá gai góc không tác động. Tựu chung thì cuộc sống của nhà báo chiến trường có mấy ai là bình thường. Phải chăng để được chứng kiến những giây phút phi thường, sự bình thường chính là cái giá mà họ phải trả.

Kết phim, không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của Jessie. Song, bản thân câu hỏi đó cũng như một lời nhắc nhở để mỗi nhà báo xác định kim chỉ nam cho chiếc la bàn đạo đức. Ranh giới giữa con kền kền và một người có nhân tính là rất mong manh. Nhưng dù có là gì đi nữa, nếu thế giới thiếu họ thì sự thật sẽ mãi chìm trong bóng tối.

Kết phim, không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của Jessie. Song, bản thân câu hỏi đó cũng như một lời nhắc nhở để mỗi người nhà báo xác định kim chỉ nam cho chiếc la bàn đạo đức. Ranh giới giữa con kền kền và một người có nhân tính là rất mong manh. Nhưng dù có là gì đi nữa, nếu thế giới thiếu họ thì sự thật sẽ mãi chìm trong bóng tối.

Thế giới không thể thiếu báo chí

Hiện nay ở dải Gaza, có hàng trăm phóng viên đang mạo hiểm mạng sống để đưa tin về cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Hamas.

Trong vòng 5 tháng qua đã có ít nhất 103 phóng viên thiệt mạng, nhiều hơn trong bất kỳ một cuộc xung đột nào trong vòng 30 năm qua. Nếu không có những sự hy sinh cao cả của họ, ta sẽ không bao giờ có thể biết được thực hư chuyện gì đang xảy ra tại Gaza.

Ra mắt đúng thời điểm những cuộc chiến tranh gây nên nỗi đau nhức nhối, Civil War ngoài là một luồng gió mới về chủ đề báo chí cũng chính là lời tri ân sâu sắc đến những nhà báo chiến trường, những người dũng cảm đối mặt nguy hiểm để đưa sự thật ra ánh sáng.

MỚI - NÓNG