Liên kết sản phẩm trong bối cảnh mới
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist qua gần hai năm mày mò, sáng tạo sản phẩm qua đại dịch đã đúc kết được một số yêu cầu mới đối với sản phẩm du lịch trong bối cảnh mới như: Sản phẩm du lịch an toàn; Tiêu chí “xanh” trong sản phẩm du lịch; Tiêu chí sản phẩm du lịch khác biệt; Hàm lượng ứng dụng công nghệ số vào sản phẩm du lịch.
“Định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch”, ông Phùng Quang Thắng nêu.
Sản phẩm du lịch cho du lịch đại trà là thực tế phát triển, thường do những doanh nghiệp lớn chủ động tổ chức triển khai hơn là có tính liên kết triển khai; phụ thuộc vào chủ trương và chiến lược phát triển điểm đến du lịch. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường sẽ hưởng ứng theo xu hướng phát triển du lịch của địa phương để tham gia vào thị trường du lịch, song song với đó là tìm ra những thị trường ngách để phát triển sản phẩm.
Tua đi bộ kết hợp tham quan công trình kiến trúc Hà Nội |
Sản phẩm du lịch chuyên biệt chính là dựa vào tài nguyên du lịch của một địa phương, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển riêng cho từng phân khúc thị trường, ở tầm vĩ mô có thể đề cập như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm; một số sản phẩm du lịch chuyên đề ví dụ như tham quan thành phố bằng xe 2 tầng mui mở, tua đi bộ, tua xe đạp, tua ẩm thực phố cổ, tua bảo tàng…
“Phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt này cần có sự gắn kết, phối hợp giữa đơn vị chuyên ngành du lịch hiểu rõ nhu cầu của khách du lịch và đơn vị quản lý hay người dân địa phương là chủ sở hữu những giá trị tài nguyên du lịch vô hình hay hữu hình tại địa phương. Sự điều chỉnh cân bằng giữa du lịch đại trà và du lịch chuyên biệt sẽ giúp cho việc phát triển du lịch bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam”, ông Thắng nói.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Vùng Duyên hải Miền Trung trải dài từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận là mảnh đất giàu tài nguyên du lịch với sự tập trung dày đặc các Di sản Thế giới, các giá trị về sinh thái, tài nguyên biển đảo, các giá trị về văn hóa, lịch sử cách mạng... cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ du khách ngày càng được tăng cường và hoàn thiện. Sau hai năm bão COVID-19 càn quét, du lịch duyên hải miền Trung đứng trước thách thức lớn. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản giúp phục hồi là nhanh chóng triển khai các liên kết về định vị nguồn khách, tạo sản phẩm và triển khai công tác quảng bá, quảng cáo, xúc tiến.
Để có thể nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu kép do Chính phủ đặt ra, cần có sự hỗ trợ và vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành cả ở trung ương và địa phương, cùng với sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất đẩy mạnh liên kết vùng duyên hải miền Trung. |
Ông Dũng nêu một số đề xuất: Đối với Quốc hội, Chính phủ: Đề xuất tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, tránh đóng cửa, giải thể, phá sản; duy trì hoạt động và từng bước phục hồi để có nguồn lực tham gia vào các hoạt động liên kết tạo sản phẩm, thu hút khách. Bên cạnh đó, quan tâm quy hoạch, đầu tư vào các dự án trọng điểm, tạo động lực, tạo sức lan tỏa toàn vùng, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông như: sân bay, cảng biển, hệ thống đường bộ cao tốc…
Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch: Đề xuất xác định vùng Duyên hải Miền Trung là một cực tăng trưởng khách mới để phân bổ thêm nhiều nguồn lực xúc tiến. Nên hình thành các bộ phận chuyên trách xúc tiến vùng để có thể dễ dàng chủ trì và phối hợp nguồn lực của các địa phương trong việc tạo sản phẩm chung, định vị nguồn khách và triển khai các hoạt động xúc tiến vào các thị trường chính.
Đối với lãnh đạo các địa phương vùng Duyên hải Miền Trung: Tiếp tục kích hoạt cơ chế hợp tác vùng đã hình thành trước đây, lấy liên kết phát triển du lịch làm trọng tâm cho các hoạt động phối hợp; huy động thêm nhiều nguồn lực, quan tâm và đầu tư thích đáng cho hoạt động xúc tiến du lịch địa phương, tạo ra các liên kết vùng để phối hợp sản phẩm và triển khai các hoạt động xúc tiến; có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, các doanh nghiệp trong công tác quảng bá thu hút khách và giới thiệu điểm đến, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ cho các đường bay quốc tế trực tiếp.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp: Rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không, các công ty lữ hành. Với tình hình hiện nay, khó có thể để thị trường phục hồi một cách tự phát mà cần vai trò định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp để nhanh chóng chào bán các gói sản phẩm hấp dẫn, tạo ra các luồng khách cả trong và ngoài nước quay lại địa phương một cách chủ động, vừa giúp phục hồi nguồn khách vừa đảm bảo an toàn chống dịch.
Ông Cao Trí Dũng cũng đề xuất sự vào cuộc của hãng hàng không, công ty lữ hành trong việc xúc tiến du lịch, cụ thể hóa các sản phẩm chung, sản phẩm kích cầu giới thiệu đến khách hàng.
“Để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự hỗ trợ quyết liệt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, cần có sự liên kết chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước và giữa các địa phương với nhau theo mô hình mạng giá trị để có thể tận dụng tối đa nguồn lực, cùng hợp tác phát triển”, ông Cao Trí Dũng nói.
Tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Lan (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cho rằng, cần chuẩn bị cho sự tái hoạt động thì việc ưu tiên rà soát tiêm đầy đủ vắc xin cho các đối tượng phục vụ của ngành du lịch và các ngành có liên quan trực tiếp. Giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. Bên cạnh đó, cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị tạo thống nhất, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có tâm lý thoải mái.
“Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, thành, địa bàn đang xanh. Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó chính sách cụ thể như miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, các gói về tín dụng…; cùng với doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ trong du lịch như đẩy mạnh xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số để lựa chọn”, bà Lan nói.
Tiếp tục thí điểm hộ chiếu vắc xin đón khách quốc tế. |
Định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành, ví dụ như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này; cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo... số hóa, ứng dụng công nghệ.
Đối với đón khách quốc tế, tuỳ thuộc vào yếu tố quan hệ song phương với các thị trường khách đến mà từng bước triển khai hợp tác. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có thể thống nhất với các thị trường chung về hộ chiếu vắc xin ở các thị trường trọng điểm, để tổ chức các chuyến du lịch tới một số địa điểm thí điểm và sau đó có thể đến các vùng khác trong cả nước.
Bà cũng cho rằng không cần quá tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm mới mà cần tập trung xây dựng cơ chế đón khách trong an toàn, quan điểm là có cơ chế tốt, có khách đến là có sản phẩm tốt. Tạo hành lang nhất quán giữa các hiệp hội, các nhà cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng quốc tế được đặt giữ chỗ và miễn phí hoàn, hủy trong thời gian 2 năm. Việc này vừa giúp doanh nghiệp giữ chân được khách hàng tiềm năng, vừa có được nguồn thu ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề về vốn trong ngắn và trung hạn.
Thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”, diễn ra 25/12 tại Nghệ An. Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 25/12/2021 tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đồng thời kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước, trong đó có các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang …