Nhạc sĩ An Hiếu: Có nhiều chuyện về người lính hôm nay cần được kể bằng âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhạc sĩ An Hiếu-con trai nhạc sĩ An Thuyên- có con đường đi riêng, không bị sức ép từ “chiếc bóng” quá lớn của cha mình. Anh ghi dấu ấn với nhiều ca khúc viết về người lính.

An Hiếu từng du học Trung Quốc trước khi quay về Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm giảng viên. Một số sáng tác về tình yêu, bảo vệ môi trường có sức lan tỏa rộng được nhiều lứa ca sĩ chọn tham gia các cuộc thi như Lời yêu xa, Tình yêu âm nhạc, Bão đêm, Vì đâu?.

Trong sự nghiệp sáng tác, An Hiếu còn rất yêu mảng đề tài người lính như Thư nhà, Tết của lính, Phiên gác đêm, Guitar lính, Chiến sĩ thật đáng yêu. Chính với những tác phẩm âm nhạc phong phú, An Hiếu không chỉ là một Trung tá theo nghĩa đường binh nghiệp mà còn là một nhạc sĩ của sáng tạo nghệ thuật với nhiều tác phẩm âm nhạc, bao gồm nhiều thể loại được người nghe yêu thích, đi sâu vào tâm hồn của khán giả và có sức cổ vũ động viên lớn. An Hiếu được công nhận là nhạc sĩ của người lính.

Nhạc sĩ An Hiếu: Có nhiều chuyện về người lính hôm nay cần được kể bằng âm nhạc ảnh 1

Trung tá An Hiếu vừa giảng dạy, vừa ghi dấu ấn ở mảng sáng tác ca khúc

Nhân 22/12, nhạc sĩ An Hiếu vừa cho ra mắt ca khúc Lính hát dân ca. Đây là tác phẩm mới nhất trong cả chùm sáng tác những câu chuyện đời thường về người lính gồm 20 bài của anh.

“20 bài hát tôi đã sáng tác này nhiều câu chuyện đời thường muôn mặt của cuộc sống người lính. Nó không chỉ nói về yếu tố chính trị thường thấy trong các tác phẩm quân đội mà chỉ là những lát cắt nhỏ trong cuộc sống, có thể là tập thể dục buổi sáng, chờ lá thư nhà, một phiên gác đêm” nhạc sĩ An Hiếu tâm sự.

Hình ảnh người lính trong nhạc An Hiếu không còn là người lính vệ quốc đầy khuôn mẫu trong chiến tranh mà là một người lính của hôm nay. Nhạc sĩ khôn khéo khi viết những lời ca đương đại, gần gũi và thực hơn rất nhiều trong mắt những người trẻ hôm nay, lại đậm chất tình ca dễ đi vào lòng người.

Nhạc sĩ An Hiếu: Có nhiều chuyện về người lính hôm nay cần được kể bằng âm nhạc ảnh 2

Nhạc sĩ An Hiếu cho rằng có nhiều câu chuyện về người lính hôm nay cần được kể ra bằng âm nhạc.

Lính hát dân ca là một ví dụ rõ nhất về những tự sự, tâm tình của anh lính trẻ cũng là của cái tôi nhạc sĩ, đồng thời cũng là một người lính. Lý giải việc hiện nay hiếm những bài hát viết về người lính mà thoát khỏi lối mòn, nhạc sĩ An Hiếu cho rằng có lẽ vì nó khó viết hay về mặt kỹ thuật. '

“Có những mảng đề tài mà khi chạm vào nó thì đương nhiên sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang tính đặc thù của đối tượng hướng đến, khiến cho bài hát ít nhiều vang vọng giống nhau. Thực ra, người lính hôm nay cũng có nhiều câu chuyện cần được kể, và nó vẫn là đề tài hấp dẫn, nếu người sáng tác đủ rung cảm, đủ duyên và muốn chinh phục” nhạc sĩ An Hiếu nói.

Không chỉ có nhiều sáng tác về người lính trong quân đội, ngay cả về đề tài ngợi ca những chiến sĩ áo trắng, áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch nhạc sĩ An Hiếu cũng có 2 tác phẩm được mọi người yêu mến và ghi nhận, đó là: “Ánh sao nơi đầu tuyến” và “Người đi trong bão”.

Anh đang ở giai đoạn sung sức với vị trí giảng dạy và cả ở mảng sáng tác ca khúc. Nhạc sĩ hiện là Phó trưởng khoa Quản lý Văn hóa của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.