Hiến kế để đột phá

Hiến kế để đột phá
TP - Lần này, Quốc hội họp trong hội trường mới - mang tên Diên Hồng, tôi nghĩ Quốc hội cần lắng nghe, tìm giải pháp, hiến kế đột phá cho nền kinh tế.

Trong gần 4 năm qua kinh tế ở mức đáy, đã đến lúc phải chắp cánh bay lên.

Từ năm 1991 - 2010, bình quân tăng trưởng 7,3%/năm, nhưng 4 năm qua, chúng ta chỉ đạt 5,6%. Như vậy, vấn đề bây giờ là phải hiến kế thế nào để có giải pháp giúp nền kinh tế Việt Nam chắp cánh bay cao trở lại. Tôi muốn nói đến không khí Hội nghị Diên Hồng - hội nghị hiến kế, QH phải đưa ra những giải pháp mới.

Tôi có niềm tin là trong kỳ họp QH này chúng ta sẽ nghe nhiều hơn những sáng kiến, ý kiến, giải pháp mang tính đột phá nhất cho đất nước phát triển hơn là nghe những phàn nàn trước đây về quá khứ, nói nhiều về tật xấu, lãng phí, tham nhũng.

Mỗi đại biểu đều thể hiện tâm huyết của mình vì trước khi đến cuộc họp này, ĐBQH tiếp xúc cử tri và cử tri gửi gắm làm sao để nâng cao đời sống, phúc lợi của người dân, chăm sóc tốt hơn cuộc sống người dân hiện nay, đảm bảo chữ “AN”: An toàn giao thông, an bình, yên tâm trong sinh hoạt hằng ngày và làm sao đời sống người dân ngày càng phát triển.

Năm 1991, GDP đầu người của Việt Nam là 143 USD/năm và chúng ta đứng ở vị trí 184, thấp nhất thế giới. Và năm 2013, GDP đạt bình quân 1.911 USD/người và đứng thứ 132. Vấn đề là làm sao mức sống của người dân phải cao hơn nữa.

Kỳ họp này cần tìm giải pháp đột phá để kinh tế tăng trưởng trở lại. Chúng ta đã tăng trưởng từ 7,5% trở lên và có những giai đoạn như 1995-1996 chúng ta tăng trưởng 9,5%, rồi giai đoạn 2005-2006, tăng trưởng 8,5%. Nhưng 4 năm nay chúng ta chỉ tăng trưởng 5,6%. Như vậy, đã đến lúc phải có sự đột phá. Giải pháp nào đạt tăng trưởng chính là mục tiêu các ĐBQH cần phải đưa ra trong kỳ họp này.

Một trong những giải pháp quan trọng của QH là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đưa ra được những bộ luật đi vào cuộc sống, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường quản lý vốn DN Nhà nước, vì DN là nơi sử dụng nhiều tài sản của quốc gia. Luật phải làm sao gắn trách nhiệm của DN đóng góp vào sự tăng trưởng, nguồn thu của ngân sách.

Kinh tế phải chắp cánh trên cơ sở thế mạnh của Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam là nền nông nghiệp hiện đại, du lịch phát triển với nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều di sản thế giới, di tích lịch sử, bờ biển dài và đẹp…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.