Không lâu trước khi tàu USS Curtis Wilbur của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông hồi cuối tháng trước, một bài tập trận trên biển kỳ lạ đã diễn ra tại vùng biển ngoài khơi phía nam Trung Quốc. Theo những hình ảnh đăng tải trên các trang tin tức chính thống, hàng loạt con tàu mang số hiệu có tiền tố "Trạm Ngư", với ý nghĩa là tàu đánh cá của thành phố Trạm Giang, xuất hiện trong cuộc diễn tập này. Đặc điểm bề ngoài của các con tàu kể trên cho thấy chúng đều là tàu đánh cá lưới vét hoặc tàu đánh cá lưới kéo, theo National Interest.
Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, người ta có thể nhận thấy đây không phải những tàu cá thông thường, bình luận viên Koh Swee Lean Collin cho biết. Một số tàu, ví dụ như chiếc mang số hiệu Trạm Ngư 819, 820 hay 822, ngoài tời kéo lưới phía sau còn trang bị cả một cụm ăng-ten rất dễ nhìn thấy. Thêm vào đó, thay vì sơn màu xanh như các tàu dân sự thương mại bình thường khác, tất cả các tàu này lại khoác trên mình "bộ cánh" màu xám đặc trưng của hải quân Trung Quốc.
Chúng đều là các tàu thuộc biên chế Hạm đội Biển Đông 488 của Trung Quốc đóng tại Trạm Giang. Hạm đội này còn có một số "họ hàng" khác cũng sở hữu các tàu đánh cá thông minh (AGI) tương tự. Chúng được gọi chung là các tàu lớp 792.
Những tàu đánh cá trông có vẻ vô hại này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở cả Biển Đông và Hoa Đông. Dù đã tồn tại từ những năm 1950 tới nay nhưng khả năng của các tàu cá đặc biệt thường được gọi với cái tên tàu cá "bóng ma" này vẫn bị đánh giá thấp, ông Collin nhận xét.
Tăng cường năng lực
Tàu cá Trung Quốc dàn hàng để đối phó tuần duyên Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Khi mới có ý định sử dụng tàu cá cho mục đích quân sự, Bắc Kinh ban đầu chỉ coi chúng như những phương tiện thay thế tạm thời nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt tàu hải quân quốc gia. Nhưng với thân làm bằng gỗ, máy móc, thiết bị lạc hậu nên phạm vi hoạt động, độ bền cũng như chất lượng của các tàu bị hạn chế đáng kể. Vì thế, chúng thường đảm nhận các sứ mệnh gần bờ.
Năm 1952, Trung Quốc thu giữ được một số tàu cá Nhật Bản đánh bắt trái phép. Những con tàu này khiến Bắc Kinh vô cùng ấn tượng bởi tính năng vượt trội và sự hiện đại. Trung Quốc sau đó bổ sung thêm các bệ phóng tên lửa, biến chúng thành các tàu hỗ trợ hỏa lực. Từ đây, bên cạnh vai trò hỗ trợ thời chiến, những tàu cá "bóng ma" tiên phong này còn thực hiện cả nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, chống theo dõi và tái cấp nhu yếu phẩm cho các đơn vị đồn trú ngoài khơi của quân đội Trung Quốc.
Bắc Kinh sau đó dần dần xây dựng được các đội tàu cá "bóng ma" ưu việt hơn nhờ học hỏi từ Nhật Bản và phương Tây. Những tàu được chế tạo khoảng giữa những năm 1950 có thân bằng gỗ, động cơ 250 mã lực, vận tốc tối đa đạt 8,5 hải lý/h. Những chiếc làm từ cuối những năm 1950 đã có thân bằng thép và động cơ 350 mã lực. Đến năm 1963, tàu lớp 801, dài 29,6 m, lượng giãn nước 250 tấn và vận tốc tối đa 9,5 hải lý/h, được chính thức giới thiệu. Không lâu sau, nhà máy đóng tàu Giang Tây tiếp tục cho xuất xưởng một tàu đánh cá thông minh mới, dài 47 m, lượng giãn nước 600 tấn và tốc độ lên tới 16 hải lý/h. Từ năm 1979 - 1980, một xưởng đóng tàu khác ở Hạ Môn chế tạo được các mẫu tàu mới với động cơ từ 400 đến 600 mã lực, vận tốc 10,5 - 11 hải lý/h.
Trong thời kỳ đầu, đặc biệt là vào những năm 1960, công cụ do thám chủ đạo được lắp đặt trên các tàu cá này là những camera Hải Âu nội địa, chủ yếu dùng để chụp ảnh. Vài tàu đánh cá thông minh thậm chí còn trang bị cả vũ khí hạng nặng, ví dụ như súng chống máy bay 37 mm. Tuy nhiên, các tàu cá này vẫn tồn tại những hạn chế nhất định ở khả năng chống chịu cũng như không đảm bảo được điều kiện sinh hoạt cho thủy thủ đoàn. Do đó những tàu cá "bóng ma" Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện nhiệm vụ xa bờ.
Theo một bài viết đăng tải trên tờ Global Times hồi tháng 12 năm ngoái, tàu cá "bóng ma" Trung Quốc lần đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ giám sát tầm gần một tàu khu trục nước ngoài là vào năm 1979.
Khi đó, con tàu Minsk lớp Kiev của Liên Xô đang bơi qua eo biển Malacca để tiến vào cảng Cam Ranh vào thời điểm cuộc chiến biên giới Việt - Trung đang diễn ra. Để đáp trả, Trung Quốc triển khai các tàu cá thông minh từ thành phố Ngọc Lâm, Trạm Giang và Quảng Châu, tạo thành ba tốp bám theo tàu Nga. Một nhóm phát hiện tín hiệu từ tàu Minsk nhưng buộc phải hủy bỏ việc theo dõi vì một trong các tàu cá thông minh của đoàn này bị hỏng động cơ. Một nhóm lần ra tín hiệu của tàu Minsk từ khoảng cách 24 km nhưng không thể bắt kịp. Nhóm còn lại tiếp cận được con tàu Nga vào buổi chiều.
Chiến đấu cơ Yak-38 trên tàu Minsk lúc này bay áp sát một tàu cá của Trung Quốc để ngăn nó giám sát gần tàu sân bay Nga. Đến chiều muộn cùng ngày, một tàu cá thông minh mang số hiệu K-429 bắt kịp và chạy bên cạnh tàu Minsk với tốc độ cao. Hai tàu chỉ cách nhau khoảng 50 m. Tàu Minsk buộc phải phát tín hiệu cảnh báo va chạm.
Tàu sân bay Nga cố xua đuổi tàu cá Trung Quốc bằng cách phát tín hiệu lái sang mạn trái. Tuy nhiên, tàu K-429 vẫn ngoan cố, truyền tín hiệu đánh lái sang mạn phải, áp sát tàu Minsk, chỉ cách khoảng 20 m. Trong gần hai tiếng, con tàu cá "bóng ma" nhỏ bé đã theo dõi tàu Minsk, để thu về nhiều thông tin tinh báo giá trị.
Dù vậy, lần chạm trán này vẫn phơi bày nhiều điểm hạn chế của các tàu cá "bóng ma" Trung Quốc, trong đó, đáng chú ý hơn cả là việc chúng không đủ sức bắt kịp tốc độ của mục tiêu cũng như không thể hoạt động ở phạm vi quá xa.
Song lần đụng độ với tàu Minsk hồi năm 1979 cũng mang đến những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của đội tàu cá "bóng ma" Trung Quốc. Ngày nay, các con tàu này không những có vỏ bằng thép mà còn được trang bị các hệ thống định vị vệ tinh và liên lạc tiên tiến. Chúng cũng sở hữu hàng loạt thiết bị thu thập thông tin tình báo tinh vi, giúp Bắc Kinh thiết lập "một bức tranh nhận thức tình huống điện tử" chi tiết.
Bên cạnh đó, vụ việc Minsk 1979 cũng cho thấy Bắc Kinh không hề do dự khi điều động các tàu cá "bóng ma" bé nhỏ và còn nhiều hạn chế để đương đầu với những đối thủ lớn hơn chúng nhiều lần. Vậy nên, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng những con tàu này để hiện thực hóa mục tiêu chính trị của mình.
Đội tàu cá Trung Quốc tiến ra biển Hoa Đông, khu vực đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Các tàu cá do thám Trung Quốc từng xuất hiện liên tục ngoài khơi Đài Loan vào thời điểm căng thẳng xuyên eo biển dâng cao, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008. Chúng cũng được nhìn thấy quanh quần đảo Tây Nam của Nhật Bản, nhất là sau khi Bắc Kinh và Tokyo nổ ra tranh cãi liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Các tàu cá "bóng ma" này gần đây còn đi xen kẽ với những tàu cá thông thường khác của Trung Quốc ngoài khơi Nhật Bản, vờ như đang khai thác, đánh bắt.
Tàu cá "bóng ma" cũng không vắng bóng trên Biển Đông. Một tàu đánh cá mang số hiệu Min Long Yu 63168 Trung Quốc hồi tháng 4/2013 mắc kẹt ở bãi đá Tubbataha, Philippines, sau đó bị bắt giữ. Người ta ban đầu tưởng nó đang đánh bắt trái phép. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện con tàu này không có các thiết bị đánh cá, thay vào đó nó chở rất nhiều tê tê.
Thủy thủ đoàn chỉ gồm 12 thành viên thay vì 30 người hoặc hơn giống như các tàu đánh cá bình thường. Một nguồn tin quân sự giấu tên Philippines tiết lộ các ngư dân Trung Quốc còn có da trắng "không tì vết", rất khác với nước da đen sạm vì cháy nắng của những người thường xuyên đi biển. Tất cả những dấu hiệu kể trên đều dẫn tới suy đoán con tàu Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp. Nhưng Bắc Kinh tìm mọi cách để bác bỏ khả năng này.
Khả năng đi biển ngày càng được cải thiện cũng đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của các tàu cá "bóng ma" Trung Quốc. Tháng 8/1994, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ bắt giữ được ba tàu đánh cá Trung Quốc cùng 55 thành viên thủy thủ đoàn ngoài khơi đảo Narcondam.
Những người này mang theo các thiết bị vô tuyến hiện đại cùng nhiều bản đồ chi tiết về vịnh Bengal, biển Andaman và quần đảo Nicobar, nơi Ấn Độ đặt một tiền đồn tại đây. Từ khoảng tháng 4/2011 đến tháng 8/2011, Ấn Độ cũng phát hiện một tàu cá Trung Quốc tại khu vực trên đang theo dõi các hoạt động quân sự của nước này.
Tàu cá "bóng ma" Trung Quốc có lúc còn tỏ ra vô cùng hung hăng. Điển hình là vào tháng 3/2009, hai tàu đánh cá nhỏ Trung Quốc cố tình bám đuôi và tiếp cận gần tàu USNS Impeccable của Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam. Chúng thậm chí còn tìm cách làm hư hại các thiết bị âm thanh mà tàu Impeccable kéo phía sau, đồng thời ném các vật cản xuống nước hòng chắn đường đi của tàu Impeccable. Tháng 10 năm ngoái, tàu khu trục USS Lassen trong khi thực hiện FONOPS gần bãi đá Subi trên Biển Đông cũng bị tàu cá hoặc tàu buôn Trung Quốc bám đuôi.
Nhìn vào những sự kiện gần đây và kể cả trong quá khứ, ông Collin cho rằng tàu cá "bóng ma" của Bắc Kinh, với năng lực không ngừng được nâng cao, tương lai sẽ giữ một vai trò quan trọng đối với sách lược của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Bài tập mới đây của Đơn vị 488 là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang rất quyết tâm để triển khai các đội tàu cá "bóng ma" một cách chuyên nghiệp nhất có thể, Collin nhấn mạnh.