Như Tiền Phong thông tin, xung quanh kế hoạch mua lô tàu hàng cũ Trung Quốc, Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định bổ nhiệm ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh, thay ông Nguyễn Viết Hiệp đảm đương vị trí Tổng giám đốc ĐSHN.
Ông Hiệp mất chức vì hai lỗi (chậm triển khai khảo sát lô tàu và gửi công văn vượt cấp lên Bộ GTVT). Ông Hùng là lãnh đạo ban đã trình Tổng Cty ĐSVN phương án mua lô tàu này (trong công văn của Ban này thể hiện rõ lô tàu quá niên hạn so với quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị qua sử dụng của Bộ KH&CN). Trả lời phóng viên Tiền Phong về trách nhiệm trong vụ việc, ông Hùng nói rằng, mới về nhận công tác tại ban này nên không chỉ đạo trình văn bản nêu trên. Thực tế, ông Hùng về làm trưởng ban này từ nhiều tháng nay, trước khi sự việc được dư luận biết tới. Ông Hùng cũng là lãnh đạo Cty Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco).
Nguồn tin Tiền Phong cho biết, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh từng trình văn bản (liên quan việc mua toa tàu cũ của Trung Quốc) là bà Đỗ Thanh Hà cũng đã được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên ĐSVN - là 1 trong 5 người có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm ông Hiệp. Ngày 17/2, phóng viên Tiền Phong liên lạc với bà Hà nhưng bà từ chối nêu quan điểm.
Liên quan nội dung “Cấp trên chỉ đạo mua, cấp dưới mất chức” (Tiền Phong nêu ngày 17/1), luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phất Phạm, nói rằng, trong sự việc, mọi người đều hiểu, ông Hiệp bị kỷ luật vì dám đề nghị mua tàu cũ của Trung Quốc; việc Chủ tịch ĐSVN Trần Ngọc Thành cho rằng kỷ luật vì chậm khảo sát lô hàng (không chỉ ông Hiệp được giao nhiệm vụ này) và báo cáo vượt cấp là không thuyết phục. “Ông Hiệp mất chức do thực hiện chủ trương mua tàu cũ của Trung Quốc. Vì vậy, cần xem xét chủ trương đó từ đâu ra. Việc lãnh đạo ĐSVN nói không biết đến tuổi tàu cần được xác minh. Qua hồ sơ kèm các tờ trình phương án sẽ thấy rõ điều này”.
Luật sư Phất cũng cho rằng, cần xem xét việc miễn nhiệm, luân chuyển vị trí khác của ông Hiệp dựa trên cơ sở nào, có đúng theo các quy định của Nhà nước và nội quy của chính Tổng Cty Đường sắt hay không.
Theo nhiều cán bộ, công nhân viên trong ngành đường sắt, hiện có rất nhiều toa tàu, đầu máy của Trung Quốc. Khảo sát tại bãi đỗ tàu hàng ở Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) ngày 17/2, phóng viên Tiền Phong chứng kiến rất nhiều toa xe hàng Trung Quốc, thậm chí có đầu máy Trung Quốc được chế tạo từ năm 1984 vẫn đang hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ thuộc Tổng Cty ĐSVN nói: “Nếu không có chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Cty, ông Hiệp không bao giờ dám gửi văn bản hỏi Bộ GTVT việc mua tàu. Quyết định chỉ kỷ luật riêng ông Hiệp gây xáo trộn tâm lý cán bộ công nhân viên”.