'Khẩu vị' nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng, vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng, dễ thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A).

Phục hồi

Theo báo cáo Đầu tư Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills quý III, Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng về hoạt động đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế ổn định. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với FDI đã đăng ký đạt 20,52 tỷ USD vào cuối tháng 8 - tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện ước tính đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam - cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, với lạm phát dự kiến ​​là 4,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bất động sản công nghiệp, trong khi du lịch quốc tế và lĩnh vực bán lẻ cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn”.

'Khẩu vị' nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện ra sao? ảnh 1

AEON Mall liên tục mở rộng địa bàn hoạt động tại Việt Nam.

Tăng trưởng FDI hằng năm ổn định là động lực chính thúc đẩy ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, cả nước có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Đối với lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, dù dự kiến ​​chi tiêu trong nước sẽ chậm lại, thị trường bán lẻ vẫn ghi nhận tình hình hoạt động mạnh mẽ do mặt bằng bán lẻ hạn chế và tầng lớp khách hàng tiêu dùng trung lưu đang gia tăng.

Trong quý III, Savills ghi nhận một “ông lớn” bán lẻ đến từ Nhật Bản đã mua lại một khu đất rộng 10,5 ha tại Thanh Hóa để làm trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung và được phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/500 ở Biên Hòa, Đồng Nai.

Khẩu vị thế nào?

Bà Trần Thị Khánh Linh - Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills - cho biết, thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng... Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

“Các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đồng loạt có hiệu lực vào tháng 8 vừa rồi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt pháp lý, giúp nhà đầu tư xác định rõ ràng chi phí đầu tư ban đầu (chi phí sử dụng đất), từ đó giúp các dự án đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn”, bà Linh nói.

'Khẩu vị' nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện ra sao? ảnh 2

Khối ngoại đang chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp.

Theo chuyên gia, hiện nay các nhà đầu tư có nhiều cơ hội M&A các dự án tiềm năng hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các dự án lớn. Nhu cầu thị trường đa dạng thu hút các khẩu vị đầu tư khác nhau.

“Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở thực chất vẫn rất lớn, không kém nhu cầu đối với các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn yêu cầu các dự án bất động sản đều phải có hiện trạng pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để phát triển” bà Linh chia sẻ.

Hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu dự án cần có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu dự án phải có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, thời gian gần đây việc phê duyệt pháp lý dự án đang chậm lại do trong thời kỳ thay đổi nhiều bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản.

“Gần đây nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế. Vì vậy, khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng, vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng, dễ thực hiện M&A hơn”, bà Linh phân tích.

MỚI - NÓNG