Hết độc quyền

Hết độc quyền
TP - Chuyện Bộ GD&ĐT sẽ “buông” việc làm sách giáo khoa (SGK) như tuyên bố của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên nghị trường đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn, bởi đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ và đúng hướng của nền giáo dục nước nhà.

GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS Văn Như Cương và nhiều chuyên gia khác đều cho rằng, đây là một ý tưởng rất đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế. “ Bộ không làm SGK là đúng, là thực hiện đúng chức năng của cơ quan quản lý nhà nước là không làm thay cho nhà chuyên môn”, GS Thuyết nói. 


Thậm chí GS Thuyết còn cho rằng, ngay cả chi phí hoạt động cho bộ phận thẩm định SGK của Bộ, tức tiền duyệt sách, cũng không cần dùng đến kinh phí nhà nước mà do chính những tổ chức/ cá nhân làm SGK đóng góp.

Còn theo PGS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT), hóa ra ngay từ trước năm 1975 ở Sài Gòn đã cho phép nhiều nhóm và tổ chức làm SGK rồi. “Theo cách làm của họ thì nhà nước không hề mất tiền chi cho việc làm SGK mà chỉ mất tiền chi cho khâu thẩm định. Tự người ta xuất bản, tự người ta bán sách” – ông Trang nói.

Như vậy, vấn đề xã hội hóa việc làm SGK đâu có mới. Thế giới vẫn làm và ngay cả ở ta cũng từng làm cách đây ngót nửa thế kỷ. Nhưng đối với những người đang giữ trọng trách quản lý nền giáo dục nước nhà hiện nay lại là chuyện mới. Bởi hơn nửa thế kỷ qua, Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT “có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn và tổng phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục khác phục vụ giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong toàn quốc” (trích giới thiệu trên website NXB Giáo dục Việt Nam).

Có lẽ tới đây, tính “độc quyền” tự nhiên của NXB này sẽ chấm dứt. Bất cứ NXB nào cũng đều có quyền in SGK miễn theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành. Với sự cạnh tranh lành mạnh có sự quản lý của nhà nước, tin chắc rằng tới đây hàng triệu học sinh trên cả nước sẽ có trong tay những bộ SGK chất lượng tốt nhất với giá rẻ nhất. 

Sự độc quyền trên thị trường SGK khổng lồ sẽ biến mất, khách hàng - những học sinh, phụ huynh và thầy cô - sẽ có quyền lựa chọn những bộ SGK tùy theo quan điểm và túi tiền của họ. Họ cũng sẽ có quyền từ chối những cuốn SGK được biên soạn và in ấn cẩu thả, thậm chí “bắt” học sinh phải làm bài tập vào ngay cuốn SGK đó - một sự lãng phí trong bối cảnh hiện nay, nhưng lại rất có lợi cho NXB vì cuốn sách đó khó có thể sử dụng lại trong những năm sau.

Và do đó, ý tưởng tốt đẹp của GS Thuyết, “nhà nước có thể dùng tiền định biên soạn SGK để mua sách đưa vào thư viện cho học sinh dùng”, “không phải lo chuyện SGK đắt rẻ, không phải lo em không học được sách của anh”, cũng sẽ có cơ hội trở thành hiện thực. Còn nếu vẫn “bắt” học sinh viết thẳng tay vào SGK như hiện nay, em không dùng được sách của anh là chuyện đương nhiên.

Giàu như nước Mỹ cũng không dùng SGK một lần rồi vứt bỏ. Theo GS Thuyết, ông sang Mỹ thấy nhiều gia đình không phải mua SGK cho con vì đều dùng của thư viện trường. Chuyện này cũng không mới, còn nhớ thế hệ học sinh nước ta những năm 70- 80 của thế kỷ trước cũng đâu phải mua SGK, cũng dùng của thư viện nhà trường cho mượn đấy thôi.
Vì vậy, chuyện Bộ GD & ĐT “buông” SGK không những đúng, không những ích nước lợi dân, mà đáng lẽ phải làm từ lâu mới phải.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
TPO - “Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý Chính phủ, các bộ phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm. Đến nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn thi hành...