Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Viết Khuyến nói:
Theo quan sát của tôi thì các nước có nền giáo dục tiên tiến họ đều làm theo cách nhà nước (cụ thể là Bộ GD&ĐT) chỉ ban hành chuẩn chương trình chứ không viết sách giáo khoa (SGK).
Ngay cả chuẩn chương trình, Bộ GD&ĐT cũng chỉ là cơ quan ban hành thôi chứ không phải Bộ đứng ra làm. Việc xây dựng chuẩn chương trình phải huy động được trí tuệ của các chuyên gia, của các trường, Bộ đặt hàng rồi ban hành.
Ở Mỹ chẳng hạn, việc xây dựng chuẩn chương trình được giao cho các chính quyền tiểu bang quyết định chứ không phải chính quyền liên bang.
Trên cơ sở chuẩn chương trình của chính quyền tiểu bang, các trường căn cứ vào đối tượng học sinh cụ thể của mình để soạn các chương trình học cụ thể.
Trước đây, hồi Bộ GD&ĐT chuẩn bị làm chương trình – SGK hiện đang được sử dụng, tôi có một bộ chuẩn chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 của bang California, Mỹ nên đã đưa cho anh Vọng (ông Nguyễn Văn Vọng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – PV) nhưng không được quan tâm.
Theo tôi, việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng Bộ đang suy tính để chỉ làm chương trình thôi chứ không “ôm” cả SGK là một bước tiến mới trong tư duy làm chương trình – SGK, rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, nếu thật sự tiến bộ thì Bộ chỉ nên làm chuẩn chương trình, còn chương trình cụ thể thì để cho mỗi trường tự biên soạn.
Nhưng với bậc phổ thông, liệu các trường có đủ năng lực tự biên soạn chương trình cho mình?
“Lần này có điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi đang cân nhắc, bộ lo việc xây dựng một bộ chương trình thật tốt, hoàn chỉnh, sau đó cân nhắc công bố rộng rãi cả xã hội và huy động các lực lượng xã hội tham gia vào việc viết sách giáo khoa mới”.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Về nguyên tắc, mỗi trường có quyền tự biên soạn cho mình một chương trình cụ thể trên cơ sở chuẩn chương trình. Nhưng trên thực tế, có thể không phải mỗi trường một chương trình khác nhau mà một nhóm trường có chung đặc điểm địa lý, có chung mặt bằng đối tượng học sinh… thì có thể sử dụng chương trình cụ thể giống nhau.
Ở Việt Nam chẳng hạn, việc dùng chung một chương trình cụ thể có thể giới hạn ở khu vực tỉnh/ thành với những trường đại trà, còn trường chuyên hoặc trường tập trung đông lực lượng giáo viên – học sinh giỏi thì có thể soạn chương trình riêng. Về cơ bản các chương trình cần phải giống nhau đến 80 – 85% bởi đều dùng cái chuẩn chương trình làm lõi.
Còn SGK thì sao, thưa ông?
Nhà nước chỉ ban hành chuẩn chương trình, các trường thì có chương trình cụ thể, trên cơ sở các chương trình cụ thể các tác giả hoặc nhóm tác giả sẽ tổ chức viết SGK, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định. Cơ sở để thẩm định là chuẩn chương trình, không có chuyện người thẩm định thấy hay thì gật đầu mà chẳng có chuẩn nào cả! Khi SGK được thẩm định thì các trường được quyền chọn.
Cuốn nào được chọn nhiều thì tia ra lớn, tác giả được hưởng nhuận bút cao. Cơ chế xuất bản SGK sẽ hệt như các ấn phẩm văn hóa đọc hiện hành, tác giả viết sách được hưởng nhuận bút căn cứ vào lượng phát hành. Việc đó có lợi cho người học, làm lành mạnh môi trường xuất bản, chấm dứt độc quyền, sao ta lại không làm?
Nếu SGK được soạn căn cứ vào từng chương trình cụ thể, sẽ dẫn tới khả năng mỗi trường sử dụng một bộ SGK riêng?
Như trên tôi đã nói, nguyên tắc là như thế nhưng thực tế những trường có nét chung sẽ dùng chung một chương trình cụ thể, và cho dù mỗi trường có một chương trình cụ thể riêng thì các chương trình này cũng giống nhau về cơ bản, chỉ khác ở một số nội dung đặc trưng riêng, chẳng hạn như để phù hợp với địa lý – văn hoá vùng miền. Như vậy, nhiều bộ SGK thể hiện tính đa dạng thôi chứ còn nội dung cốt lõi các bộ SGK thì đều giống nhau.
Ông có niềm tin rằng phát biểu của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ được triển khai trong thực tế?
Đường hướng làm chương trình, SGK mà anh Luận trả lời hôm nay (tức hôm qua, 11/6 - PV), về mặt tư tưởng tôi thấy ổn. Nhưng tôi nghĩ chưa thể hy vọng nó sẽ thành hiện thực trong thời gian ngắn. Ví dụ, giải quyết thế nào với NXB Giáo dục khi mà hiện giờ họ tồn tại được là nhờ độc quyền xuất bản SGK? Nhưng trước hết cứ hoan nghênh tư duy mới của Bộ trưởng đã bởi nó phù hợp với xu thế của thế giới.
Cảm ơn TS Lê Viết Khuyến!