Trang Sputnik ngày 15/5 dẫn lời ông Colin Kahl, cho biết: “S-300 là hệ thống tên lửa phòng không hiệu quả. Tuy vậy, các tính năng của S-300 không thể làm suy yếu khả năng tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Iran nếu Tehran phá vỡ thỏa thuận, phát triển vũ khí hạt nhân”.
Tuy vậy, Phó trợ lý của Tổng thống Mỹ Colin Kahl thừa nhận, Mỹ và Israel đều không mong muốn Iran sở hữu các hệ thống phòng không hiệu quả như S-300, nhưng “nếu có, chúng ta phải tìm cách thích ứng”.
Trước đó, nhận định về việc Nga có thể cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, S-300 không phải là trở ngại đối với Washington.
Điện Kremlin ngày 13/4 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran.
Trước đó, Nga đã ký hợp đồng bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran trị giá 800 triệu USD vào năm 2007. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào năm 2010 vì sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các nước phương Tây, cũng như việc Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.
Chính phủ Iran sau đó đã đệ đơn kiện lên một tòa án ở Geneva đòi Nga bồi thường 4 tỷ USD thiệt hại do vi phạm hợp đồng, nhưng tòa án này đã không đưa ra bất kỳ một phán quyết nào.
Moscow nhấn mạnh rằng, quyết định của họ đưa ra trong năm 2010 nhằm "đóng băng" việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran, dựa trên các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.