Đi tàu ngắm vịnh, hưởng thú trời mây là phần hấp dẫn nhất, nay phải ngồi trong buồng nhìn qua cửa sổ, chật chội bức bí, mất hứng cũng là đương nhiên. Nhìn những chiếc cầu thang nối từ boong tàu lên nóc bị chằng buộc bằng dây thừng, có tàu xếp lổng chổng mấy cái ghế vào chỉ với mục đích ngăn du khách lên mui, thấy rõ sự lộ cộ, chộp giật, thiếu chuyên nghiệp của du lịch xứ ta.
Mà gốc gác của việc này bắt nguồn từ một văn bản đề ngày 6/6 của chính quyền thành phố Hạ Long, yêu cầu các chủ tàu“không để du khách đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang hành trình”, ai vi phạm sẽ phạt dừng tàu 10 ngày và có thể là 6 tháng nếu tái phạm.
Một số chủ tàu, nhân viên nhà tàu thậm chí còn tranh cãi “mui tàu là cái gì”, có người cho là phần boong trước, có người lại cho là nóc tàu. Một số chủ tàu cấm luôn cả du khách đứng trên boong trước, cả trên nóc tàu, cho chắc. (Theo từ điển tiếng Việt, mui là mái che thuyền, xe cộ: Con quan đô đốc, đô đài /Lấy thằng thuyền chài cũng phải lụy mui).
Sâu xa hơn chút, quyết định nói trên là “hệ quả” của vụ tai nạn lật tàu trên sông Hàn ở Đà Nẵng. Trong khi đó, liên quan các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long là cả loạt sự cố chết người đầy tai tiếng. Mới đây nhất là các vụ cháy tàu, chìm tàu, 10 du khách nước ngoài tử nạn.
Mặc dù các cơ quan chức năng Quảng Ninh nói kết cấu tàu du lịch trên vịnh hoàn toàn đảm bảo an toàn cho du khách khi lên boong dạo nhưng tai nạn cứ thỉnh thoảng lại xảy ra. Các chủ tàu nói phải cấm du khách lên mui tàu theo lệnh “cấp trên” nhưng giải thích với phóng viên, UBND tỉnh lại phủ nhận việc cấm này.
Kể cũng khó nói công khai là cấm, bởi điều đó đồng nghĩa các tàu du lịch trên vịnh nếu thực hiện đúng công năng, tức là có cho khách lên mui như thiết kế, thì có nghĩa cơ quan chức năng đã đảm bảo chuyện đó hoàn toàn an toàn. Nhưng ai dám đảm bảo được điều đó, khi vụ lật tàu ở sông Hàn còn nhãn tiền?
Vậy nên, cơ quan chức năng ở Quảng Ninh nói tuy không cấm lên mui, nhưng “căn cứ vào tình hình thực tiễn đối với từng loại tàu, thuyền trưởng và các chủ tàu có trách nhiệm điều phối khách lên boong tham quan sao cho hợp lý. Để du khách vừa có thể ngắm cảnh nhưng vẫn an toàn”. Có nghĩa là đã có chỉ đạo. Sau này nếu tai nạn xảy ra, đừng nói là cơ quan chức năng chưa “làm hết trách nhiệm”.
Chuyện chỉ nhỏ vậy thôi, nhưng suy cho kỹ mới thấy sự thiếu chuyên nghiệp của du lịch xứ ta “lộ liễu” đến mức nào. Tai nạn là một phần của cuộc sống. Không thể tránh hết mọi tai nạn, dù là nước phát triển cỡ nào. Nhưng quan trọng là sự phòng ngừa và ứng xử khi tai nạn xảy ra.
Việc cứu hộ một du khách Anh tử nạn khi leo núi Fansipan nếu diễn ra chuyên nghiệp, chu đáo sẽ là một dấu son trong mắt thế giới. Và những sợi thừng chằng buộc bậc thang trên các con tàu du lịch cũng sẽ để lại ấn tượng, dù chẳng mấy dễ chịu, trong mắt du khách. Đà Nẵng đẹp và một vụ lật tàu đã cho thấy mọi việc “đều tốt” cho đến khi tai nạn xảy ra.