Hé lộ vài chi tiết về khẩu pháo hạt nhân của quân đội Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh vụ bắn thử một khẩu pháo nguyên tử M65 ngày 25 tháng 5 năm 1953. (Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ)
Hình ảnh vụ bắn thử một khẩu pháo nguyên tử M65 ngày 25 tháng 5 năm 1953. (Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ)
TPO - Cách đây đúng 68 năm, Lục quân Mỹ đã bắn thử thành công một quả pháo nguyên tử. Đây là lần đầu tiên và duy nhất quân đội Mỹ bắn một vũ khí hạt nhân từ một trong những khẩu pháo lớn, theo các sỹ quan thuộc Lục quân Mỹ.

Trong Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã phát triển nhiều cách khác nhau để phóng đạn hạt nhân hủy diệt kẻ thù. Một trong các vũ khí đó là loại pháo kéo được chế tạo vào đầu những năm 1950 có thể bắn ra một quả đạn hạt nhân có sức công phá ngang với quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima trước đó hơn một thập kỷ.

Pháo hạng nặng cơ giới M65 280 mm của Lục quân Mỹ, loại pháo di động lớn nhất mà Mỹ từng chế tạo, dựa trên khẩu pháo đường sắt hạng nặng Krupp K5 của Đức Quốc xã, một loại vũ khí bắn gián tiếp có sức tàn phá lớn mà quân Đồng minh chiến đấu tại Ý trong Thế chiến thứ hai đặt tên là "Anzio Annie”.

Với trọng lượng khoảng 85 tấn, khẩu pháo M65 cần đến hai xe vận tải để di chuyển. Năm 1953, quân đội Mỹ đã di chuyển hai khẩu pháo loại này bằng đường sắt từ Fort Sill, Oklahoma đến một bãi thử ở Nevada, nơi người ta sử dụng một khẩu để bắn một quả đạn hạt nhân. Đây là cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên và cuối cùng để thử thách khả năng tấn công nguyên tử của khẩu pháo.

Vào ngày 25 tháng 5 năm 1953, chỉ vài tháng sau khi khẩu pháo M65 ra mắt công chúng trong lễ duyệt binh nhậm chức của Tổng thống Dwight D.Eisenhower, các binh sĩ lục quân đã sử dụng khẩu pháo có tên "Able Annie", một trong số chỉ 20 khẩu M65 từng được chế tạo, để bắn một quả đạn hạt nhân.

Vụ thử nghiệm pháo nguyên tử, có tên mã là Grable, là vụ thử thứ mười trong loạt thử nghiệm vũ khí hạt nhân Chiến dịch Upshot-Knothole nhưng là vụ thử nghiệm duy nhất liên quan đến pháo hạt nhân. Quả pháo có giá 800.000 USD, được nói là đã đạt hiệu quả như mong đợi.

Khoảng 19 giây sau khi quả đạn được bắn lúc 8h31 sáng, nó phát nổ ở khoảng cách gần 13km độ cao khoảng 158m.

“Quả đạn pháo có thể quét sạch một sư đoàn đối phương đã phát nổ phía trên mục tiêu với sức công phá tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT", một báo cáo viết.

Với phát súng đó, khẩu "Able Annie" đã trở thành "Atomic Annie" (Annie nguyên tử). Mặc dù cái tên này chỉ áp dụng cho một khẩu pháo, nhưng sau đã được dùng để chỉ loại pháo M65 nói chung.

Một khẩu M65 khác có mặt để thử nghiệm ở Nevada nhưng chưa bao giờ khai hỏa là một khẩu pháo dự phòng có tên "Sad Sack", có lịch sử khá khó khăn so với Atomic Annie.

Sau khi quá trình thử nghiệm kết thúc, Sad Sack được cho là sẽ được gửi đến một đơn vị hoạt động để triển khai ở nước ngoài trong khi Atomic Annie sẽ quay trở lại Fort Sill, nhưng trong quá trình vận chuyển, hai khẩu pháo đã vô tình bị hoán đổi.

Lỗi này đã không được phát hiện trong suốt 10 năm. Những người lính chuẩn bị khẩu pháo lớn cho sự kiện đánh dấu kỷ niệm 10 năm cuộc thử nghiệm Grable tại Fort Sill nhận ra rằng số sê-ri không khớp với số sê-ri của Atomic Annie.

Khi Lục quân Mỹ cố gắng tìm ra "Atomic Annie", đó là một chút thách thức vì các loại pháo nguyên tử đã được triển khai khắp châu Âu và châu Á, và các vị trí cụ thể của chúng được giữ bí mật và chỉ một số ít người thực sự biết chính xác chúng đang ở đâu.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.