Hé lộ mũi tấn công thứ 6 của chiến dịch Hồ Chí Minh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm, động viên cán bộ - chiến sĩ Quân chủng PKKQ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm, động viên cán bộ - chiến sĩ Quân chủng PKKQ
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mọi người thường nhắc đến 5 mũi tấn công chiến lược bao vây sào huyệt địch tại Sài Gòn, nhưng thực tế còn có mũi tấn công thứ 6 bằng đường không của Phi đội Quyết Thắng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) Việt Nam anh hùng.

Đây là đòn tổng công kích mang tính chất quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đại tá Từ Đễ, nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, là một trong những phi công chiến đấu tiêm kích của Phi đội Quyết Thắng (thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, Quân chủng PKKQ) trực tiếp lái máy bay chiến đấu tấn công sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 4/1975, bồi hồi nhớ lại: “Từ đầu tháng 4-1975, Quân chủng PKKQ đã chuẩn bị phương án “dùng máy bay địch đánh địch”.

Ngày 19/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng không quân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, theo đó giao nhiệm vụ cho Quân chủng PKKQ đề ra cách đánh và công tác huấn luyện phi công học chuyển loại máy bay từ Mig 17 (của ta) sang lái máy bay A37 (của địch mà ta thu dung được từ các trận thắng trước).

Học lái máy bay mới tuy khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng với trí thông minh và lòng quyết tâm “học nhanh, đánh giỏi”, chỉ 5 ngày sau (đạt thời gian ngắn tới mức kỷ lục), các phi công trẻ giỏi của Phi đội Quyết Thắng đã làm chủ hoàn toàn chiếc máy bay A37 và sẵn sàng chờ lệnh xuất kích tấn công sào huyệt cuối cùng của địch…”.

Tham gia trận chiến này là các phi công trong Phi đội Quyết Thắng, họ đều là những chuyên gia giỏi về không chiến, từng ném bom thuần thục vào các mục tiêu quân sự của địch và là những trinh sát thông minh biết xuyên núi, rẽ mây dẫn đường đến mục tiêu một cách chính xác nhất.

Đại tá Từ Đễ kể tiếp: Ngày 20/4/1975, các phi công của ta bay vào Đà Nẵng bằng máy bay quân sự. Sau khi học xong, 12 giờ 45 phút ngày 27-4-1975, được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ, toàn Phi đội Quyết Thắng di chuyển vào sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), rồi từ Phù Cát bay vào sân bay Phan Rang. Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ trực tiếp chỉ huy Phi đội Quyết Thắng làm nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu khu vực để máy bay chiến đấu và vận tải của địch tại sân bay Tân Sơn Nhất và tuyệt đối không được đánh vào các khu vực dân cư.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Phi đội Quyết Thắng bàn bạc kế hoạch tác chiến, phân công vị trí bay trong đội hình, tổ chức hiệp đồng tác chiến, phòng ngừa và xử lý các tình huống bất trắc xảy ra. Không khí lúc đó hết sức khẩn trương, tất cả phi công đều nêu cao quyết tâm giành thắng lợi ở trận đánh cuối cùng vào sào huyệt địch. Thời gian được ta chọn đánh vào lúc trời xẩm tối khi địch lơ là mất cảnh giác, nhất là lúc tinh thần địch đã hoàn toàn rệu rã, mất phương hướng, đây chính là điều kiện thuận lợi để không quân ta tập kích bất ngờ.

Đúng 16 giờ 25 phút chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng xuất kích! Đi đầu dẫn đường là phi công Nguyễn Thành Trung (số 1), Từ Đễ (số 2), Nguyễn Văn Lục (số 3), Hán Văn Quảng (số 4), Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On (số 5). Mỗi chiếc máy bay chở 4 quả bom, 4 thùng dầu phụ… đồng loạt cất cánh hướng thẳng về phía sân bay Tân Sơn Nhất chiến đấu.

Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ấy, đại tá Từ Đễ vẫn còn xúc động: “Máy bay của chúng tôi bay ở độ cao từ 200 - 300m dưới mây để tránh radar và Hạm đội 7 của địch phát hiện. Lúc đó lái chiếc máy bay chở bom nặng lặc lè nhưng các phi công đều hăng hái chiến đấu đến mức quên hết mọi gian khổ hiểm nguy. Dẫu vậy, trên đường đi, phi công chỉ lo 3 điều: một là máy bay hư hỏng giữa đường; hai là thời tiết xấu; ba là lo bị pháo cao xạ của ta bắn nhầm! (vì lúc đó bộ đội pháo cao xạ của ta rất giỏi, trong khi máy bay ta thì lại xuất kích bí mật, bất ngờ). Rất may hôm đó Phi đội Quyết Thắng gặp thuận lợi về nhiều mặt nên khi bay đến sân bay Tân Sơn Nhất thì tiếp cận mục tiêu nhanh chóng, rõ ràng và lần lượt công kích ném bom vào căn cứ quân sự của địch tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi nghe tiếng bom nổ rung chuyển Sài Gòn, khói lửa ngợp trời, kẻ địch kinh hoàng khiếp vía tháo chạy, các phi công mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với chiến thắng từ trên không tấn công xuống, dưới mặt đất, 5 cánh quân của ta như được tiếp thêm sức mạnh tấn công thần tốc bao vây kẻ thù, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện.

Chỉ sau hơn 2 giờ bay chiến đấu, 18 giờ 15 phút cùng ngày 28/4/1975, toàn Phi đội Quyết Thắng đã hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang trong niềm vui bất tận của bao người. Ngay sau trận đánh thắng giòn giã, Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ đánh giá: “Trận đánh không chỉ có giá trị lớn về tiêu diệt cả phi đoàn không quân chiến đấu của địch mà còn có ý nghĩa lớn về chiến dịch, chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…”.

Theo Theo Sài gòn giải phóng
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.