Hậu quả khủng khiếp của 'nghiền' game bạo lực

Hậu quả khủng khiếp của 'nghiền' game bạo lực
TPO - Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo rằng, việc chơi những game mang tính chất bạo lực như Call of Duty, PlayerUnknown's Battlegrounds... có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng xử lý cảm xúc của não bộ. Qua đó khiến người chơi dễ bị mất kiểm soát, cáu gắt vô cớ.

Cùng với sự phát triển siêu tốc của công nghệ thì những trò giải trí liên quan đến máy tính hoặc smartphone cũng ngày càng trở nên phổ biến và phong phú hơn. Không những vậy, các nhà phát hành game cũng thường xuyên cho ra đời những game có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút nhiều người sử dụng.

Đáng chú ý, trong số những game nổi tiếng nhất thế giới vài năm trở lại đây thì có không ít tựa game mang tính chất bạo lực. Điển hình như, Call of Duty, PlayerUnknown's Battlegrounds, CrossFire (Đột kích), League of Legends (Liên minh huyền thoại)….

Thế nhưng, ít ai có thể ngờ rằng, việc chơi game có tính chất bạo lực có thể khiến con người thay đổi cảm xúc theo chiều hướng xấu. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Loyola Chicago, Mỹ, chơi game bạo lực sẽ khiến con người bị mất dần tính dễ thông cảm, hay cáu gắt vô cớ và dễ bị mất kiểm soát.

Đồng thời, các nhà khoa học cũng khẳng định, những người chơi game quá 30 giờ/tuần được xem là “nghiện game” và nếu toàn bộ thời gian này đều chơi game bạo lực thì hậu quả rất đáng sợ. Bởi vì khi đó, con người rất dễ có hành động hung hăng, chống trả xã hội.

Theo tờ The Sun, để có thể đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm trên 60 người có cả nam lẫn nữ và ở độ tuổi trung bình là 21 tuổi. Cụ thể, các nhà khoa học đã cho 30 người thường xuyên chơi game bạo lực và số còn lại chơi game không có bạo lực.

Sau đó, họ đã nhận ra rằng, 30 người chơi game bạo lực rất ít khi thông cảm cho nhau giống như những người chơi game không bạo lực. Thậm chí, họ còn có thái độ dửng dưng, dễ cáu gắt hoặc mắng chửi những “đồng đội” kém hơn mình.

Được biết, toàn bộ nghiên cứu này đã được đăng tải trên Tạp chí Khoa học thần kinh nhận thức và nhận thức xã hội.

MỚI - NÓNG