Hạt nhân Iran: Những được thua trên bàn cờ chính trị

Tổng thống Mỹ và tổng thống Iran vui mừng với thỏa thuận khung về hạt nhân Iran nhưng thủ tướng Israel quyết liệt phản đối. Biếm họa của DARYL CAGLE (Mỹ).
Tổng thống Mỹ và tổng thống Iran vui mừng với thỏa thuận khung về hạt nhân Iran nhưng thủ tướng Israel quyết liệt phản đối. Biếm họa của DARYL CAGLE (Mỹ).
TPO - Các lãnh đạo đến từ Iran và nhóm P5+1 đã thống nhất một thoả thuận khung đối với chương trình hạt nhân Iran vào hôm 2/4 vừa qua. Điều này mở ra viễn cảnh, Nga sẽ bán cho Iran một loạt hệ thống vũ khí hiện đại khi các lệnh trừng phạt, cấm buôn bán vũ khí được gỡ bỏ.

Theo thỏa thuận khung mà Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đạt được hôm 2/4, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt áp dụng với Iran sẽ được giảm bớt.

Ông Obama bớt áp lực

Có thể nói, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Obama đã kiên trì xem thỏa thuận về hạt nhân với Iran là ván bài chủ chốt trong chiến lược Trung Đông.

Đây cũng là ván cá cược của ông khi quyết định đàm phán với một trong những đối thủ mạnh của Mỹ. Ông chấp nhận đối đầu với thái độ phản kháng mạnh mẽ từ đồng minh Israel và đảng Cộng hòa.

Ông Obama lập luận cấm vận để Iran khỏi chế tạo bom hạt nhân sẽ không đạt được mục đích nếu không có đàm phán và thương lượng.

Trước đó, ngày 9/3/2015, 47 trong số 54 thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hòa Mỹ công bố một bức thư ngỏ gửi đến các nhà lãnh đạo Iran, trong đó các tác giả nêu lên khả năng cản trở việc xóa bỏ cấm vận cho Iran.

Thậm chí có nhiều chính khách Hoa Kỳ còn không loại trừ kịch bản đảng Mỹ sẽ xét lại những thỏa thuận mà chính quyền của Tổng thống Obama đã đạt được với Iran một khi đảng Cộng Hòa trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Vì vậy, đối với bản thân Barack Obama, việc đạt được thỏa thuận khung hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu trước khi ông chấm dứt nhiệm kỳ. 

Đây sẽ là ván cờ thắng lợi của Tổng thống Barack Obama và điều đó cũng không có gì là ngạc nhiên khi ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama vui mừng tuyên bố, thỏa thuận khung sẽ giúp thế giới an toàn hơn vì sẽ “cắt đứt mọi con đường mà Iran có thể đi để phát triển một vũ khí hạt nhân”.

Iran thoát khỏi cảnh cô lập

Nếu cấm vận quốc tế được hủy bỏ, Iran với 78 triệu dân sẽ trở thành vùng đất thiên đàng đối với các nhà đầu tư. Iran sẽ là thị trường lớn cần xí phần. Người dân Iran xuống đường ăn mừng vào đêm 2/4 cũng vì viễn ảnh ấy.

Cấm vận đã bóp nghẹt lĩnh vực xuất khẩu dầu thô vốn mang lại nguồn thu sống còn cho Iran. Iran đã tụt giảm hơn 50% sản lượng dầu xuất khẩu. 100 tỉ USD thu nhập từ dầu mỏ cũng đã bị phong tỏa.

Ngoài ra các nghị quyết cấm vận của LHQ từ năm 2006 đến 2010 còn phong tỏa các tài khoản cá nhân, ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Nếu lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ, về ngắn hạn giá dầu thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi lẽ Iran có thể xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như hiện nay.

Chính vì vậy, thỏa thuận khung đạt được cũng thể hiện chiến thắng ngoại giao và chính trị giòn giã của Tổng thống Iran Hassan Rohani.

Về đối nội, ông đã tạo được cho người dân Iran viễn ảnh thay đổi cuộc sống tốt hơn. Các nhà hoạch định kinh tế Iran sẽ bắt đầu nghiên cứu các dự án hợp tác. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuẩn bị sẵn sàng đổ bộ vào Iran.

Tổng thống Rohani và cá cộng sự sẽ có tương lai trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng các chuyên gia (86 giáo sĩ) vào tháng 2-2016.

Diện mạo Trung Đông sẽ thay đổi

Theo Đài truyền hình Pháp Europe 1 nhận định, thỏa thuận khung lịch sử này sẽ hòa giải Mỹ-Iran, hâm nóng quan hệ hai nước vốn đã nguội lạnh 35 năm qua sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran qua sự kiện đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công.

Thỏa thuận khung mới đạt được cũng sẽ làm thay đổi diện mạo Trung Đông. Yemen hiện thời là bãi chiến trường của hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Quân nổi dậy Houthi (Shiite) có Iran hậu thuẫn đã chiếm thủ đô, đẩy tổng thống dòng Sunni lưu vong ở Saudi Arabia.

Saudi Arabia cùng với liên quân Ả Rập đã không kích quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Nếu Mỹ và Iran cùng bắt tay giải quyết, vấn đề Yemen sẽ được giải quyết.

Từ nhiều tháng trước, Mỹ và Iran đã trao đổi với nhau về đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng John Kerry đã thừa nhận Mỹ và Iran có chung lợi ích trong công cuộc chống Nhà nước Hồi giáo.

Dù Mỹ từ chối hợp tác quân sự với Iran chống Nhà nước Hồi giáo, hai nước mặc nhiên trở thành đồng minh khi cùng yểm trợ Iraq đánh Nhà nước Hồi giáo trong chiến dịch tấn công TP Tikrit (Iraq).

Nga có thể bán vũ khí cho Iran?

Từ  năm 2007, Nga đã kí một hợp đồng mua bán các hệ thống phòng không S-300 trị giá 800 triệu USD với Iran. Tuy nhiên, Moscow đã đình chỉ thoả thuận này vào năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra nghị quyết cấm vận buôn bán vũ khí cho Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga

 Iran sau đó đã kiện Nga ra toà án quốc tế ở Geneva, Thuỵ Sĩ và đòi tiền bồi thường lên đến 4 tỉ USD. Moscow sau đó đã đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Antei-2500 thay cho S-300, tuy nhiên, Tehran không đồng ý và đòi giữ nguyên thoả thuận ban đầu.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, Iran không chỉ thèm muốn một mình hệ thống S-300 của Nga, mà còn rất nhiều loại vũ khí phòng thủ cũng như tấn công hiện đại khác. Từ khi bị áp đặt các lệnh cấm vận mua bán vũ khí, Iran đã phải tự xoay sở bằng nhiều cách để có thể duy trì một lực lượng quân sự tương đối mạnh trong khu vực.

Tuy nhiên, họ vẫn muốn tiếp cận được với các công nghệ vũ khí hiện đại hơn và không chịu cảnh lép vế trước những đối thủ tiềm năng như Israel hay các quốc gia Ả Rập. Đặc biệt với các chiến đấu cơ của Nga như dòng Su-30, Su-35... hay các khí tài tác chiến điện tử, tác chiến trên bộ khác.

Bản thân Nga đã từng mang vấn đề cung cấp vũ khí cho Iran để đe dọa Mỹ. Còn nhớ hồi giữa tháng 3, quan chức quốc phòng Nga đã nhấn mạnh họ sẽ đơn phương phá vỡ các lệnh cấm vận đang áp đặt lên Iran để cung cấp vũ khí cho nước này nếu Washington viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Có thể thấy rằng, việc bán vũ khí cho Iran là một trong những lá bài địa chính trị mà Nga đủ sức gây sức ép tới chính quyền Mỹ. Và bản thân Iran cũng đã nung nấu cơ hội được gỡ bỏ lệnh cấm vận để mua vũ khí ồ ạt. Iran là một quốc gia giàu tiềm năng kinh tế và họ có thể mua tất cả mọi thứ nếu Nga bán.

Những người thua sẽ phá đám

Trong nội bộ Mỹ, từ nhiều tuần trước, đảng Cộng hòa thông báo đã trao cho Hạ viện một dự luật mới về gia tăng cấm vận đối với Iran. Hạ viện sẽ xem xét dự luật này vào ngày 14-4 sau kỳ nghỉ hè.

Một số người trong đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama là con người ngây thơ, mở đường cho Iran phát triển hạt nhân. Thượng nghị sĩ Mark Kirk châm biếm: “Neville Chamberlain đã ký hiệp ước tốt nhất với Adolf Hitler”.

Trong nội bộ Iran, ông Hossein Shariat-Madari, cố vấn của giáo chủ Ali Khamenei và là chủ biên tờ báo bảo thủ Kahyan, đã đánh giá thỏa thuận khung mới đạt được: “Iran đã đổi một con ngựa đua lấy một con nghẽo không cương”.

Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu là người phản ứng mạnh mẽ nhất với thỏa thuận khung mới đạt được. Israel dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ để bảo đảm cho an ninh Israel trong khu vực.

Nay Israel cho rằng thỏa thuận khung mới đạt được chứng tỏ Mỹ đang tiến hành chiến lược mới ủng hộ Iran và quay lưng với các đồng minh truyền thống như Israel và Saudi Arabia.

  
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.