Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran: Một phần Iran, Israel chỉ trích

Nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: NBC News.
Nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: NBC News.
TP - Hôm qua, những người Iran theo đường lối cứng rắn và lãnh đạo Israel chỉ trích thỏa thuận khung vừa đạt được với các siêu cường về chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, thỏa thuận đó sẽ giúp thế giới an toàn hơn vì chặn con đường Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo thỏa thuận khung mà Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đạt được hôm 2/4, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt áp dụng với Iran sẽ được giảm bớt.

Ông Hossein Shariatmadari, cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, thể hiện sự thất vọng đối với thỏa thuận khung. “Tổng kết thỏa thuận khung trong một câu, chúng ta đã chuyển giao con ngựa đã thắng yên và nhận về con ngựa đứt dây cương”, ông Shariatmadari nói. Một nhân vật theo đường lối cứng rắn khác, ông Mehdi Mohammadi, cho rằng, thỏa thuận khung “không có điều gì cân bằng”, là “thảm họa đối với Fordo”. Fordo là cơ sở hạt nhân ngầm của Iran mà theo thỏa thuận vẫn sẽ hoạt động, nhưng không được sử dụng để làm giàu uranium.

“Đe dọa sự tồn vong của Israel”

Trong khi đó, Israel gọi thỏa thuận khung là “một bước đi hướng về phía cực kỳ nguy hiểm”. Người phát ngôn chính phủ Israel, ông Mark Regev, nói rằng, Iran sẽ được để lại cơ sở hạ tầng hạt nhân rộng lớn và có thể theo đuổi “mục tiêu đơn lẻ” là phát triển một vũ khí hạt nhân. Giới chức Iran lâu nay luôn khẳng định họ không có tham vọng như vậy. Theo ông Regev, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, thỏa thuận khung sẽ “tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khủng khiếp”. Ông Netanyahu nói: “Một hiệp định dựa trên thỏa thuận khung này sẽ đe dọa sự tồn vong của Israel”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif được tiếp đón như người hùng khi trở về Tehran sáng 3/4, một ngày sau khi ký thỏa thuận khung với nhóm Nhóm P5+1. Hai bên ký thỏa thuận này sau 8 ngày đàm phán căng thẳng tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ. Ngoại trưởng Iran cảnh báo rằng, còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được một thỏa thuận toàn diện trước hạn chót 30/6. Ông Zarif cảm ơn lãnh đạo tối cao Khamenei đã “mạnh mẽ ủng hộ đoàn đàm phán, đưa ra các chỉ đạo” trong suốt 18 tháng qua. Tính đến đêm qua, lãnh đạo tối cao Iran, người có quyền quyết định cuối cùng đối với mọi vấn đề nhà nước, chưa có bình luận về thỏa thuận khung.

“Thế giới an toàn hơn”

Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, thỏa thuận khung sẽ giúp thế giới an toàn hơn vì sẽ “cắt đứt mọi con đường mà Iran có thể đi để phát triển một vũ khí hạt nhân”. Ông nói: “Chúng ta sẽ có thể giải quyết một trong những nguy cơ lớn nhất đối với an ninh của chúng ta và sẽ làm điều đó một cách hòa bình”. Đại diện Liên minh châu Âu, Đức, Nga và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng hoan nghênh thỏa thuận khung, cho đây là một bước tiến quan trọng, giúp thế giới an toàn hơn.

Theo thỏa thuận khung, ngoài việc dừng hoạt động làm giàu uranium ở Fordo, Iran sẽ giảm hơn 2/3 số máy ly tâm đang vận hành (dùng để làm giàu uranium) xuống còn 5.060 chiếc. Uranium được làm giàu có thể được dùng làm nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân hoặc để chế tạo bom hạt nhân. Iran cũng sẽ giảm lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp từ khoảng 10 tấn xuống còn 300kg trong 15 năm và thay đổi thiết kế của lò phản ứng nước nặng (đang trong quá trình xây dựng) ở cơ sở hạt nhân Arak, để không thể sản xuất plutonium cấp độ vũ khí.

Đổi lại, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các biện pháp trừng phạt riêng rẽ do Mỹ, Liên minh châu Âu đơn phương áp dụng sẽ được giảm nhẹ, dần dần gỡ bỏ, khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. IAEA tuyên bố sẵn sàng giám sát việc triển khai các giải pháp sau khi các bên hoàn tất thỏa thuận cuối cùng. Mỹ nói rằng, Iran đã đồng ý để các thanh sát viên IAEA đến “bất kỳ nơi đâu ở Iran” để điều tra “những cơ sở đáng ngờ hoặc bị cáo buộc có hoạt động lén lút làm giàu uranium.

Giới quan sát cho rằng, nếu cảm thấy thỏa thuận khung mà Nhóm 5+1 và Iran vừa đạt được không đủ mạnh, các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ tìm mọi cách ngăn cản việc ký thỏa thuận toàn diện (hạn chót 30/6). Trước đó, họ đe dọa gia tăng trừng phạt Iran và chỉ chấp nhận hoãn bỏ phiếu về vấn đề này dưới sức ép của Tổng thống Barack Obama. 

Theo Theo BBC, AP, Xinhua
MỚI - NÓNG