Hành trình 36 năm của lá thư tình...

Hành trình 36 năm của lá thư tình...
Bất ngờ nhận lại 2 lá thư của mình gửi đi từ chiến trường Trung bộ khốc liệt từ 36 năm về trước, ông Nguyễn Xuân Sanh - hiện đang sống tại số nhà 73 Trưng Nữ Vương (TP Đà Nẵng) không khỏi bàng hoàng xúc động.

Những bức thư luôn là cầu nối tình cảm của hậu phương - tiền tuyến trong thời gian chiến tranh, của những người yêu nhau, những cặp vợ chồng, và đây cũng là một câu chuyện về bức thư tình cảm động của hai ông bà Xuân Sanh.

Tháng 9/2003, đại diện tổ chức “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam” (VVA), khi ghé thăm Đà Nẵng đã trao cho cơ quan hữu quan Việt Nam 2 lá thư của một chiến sĩ ta từ chiến trường miền Nam gửi ra hậu phương miền Bắc 36 năm về trước.

Theo mẫu thông tin có số lưu trữ 267 của VVA, đây là những lá thư lấy được từ thi thể của một chiến sĩ, thời gian viết vào khoảng năm 1967-1968 tại một địa điểm cách Đà Nẵng chừng 50 dặm về phía Tây Nam. Trên góc trái bì thư có đề “354 Thanh Khiết”, bên phải phía dưới  ghi người nhận là Nguyễn Thị Khánh, trường Thể thao quốc phòng, Xuân Mai, Hà Tây ...

Thư gửi thời chiến, đọc ở thời bình

Bất ngờ nhận lại 2 lá thư của mình gửi đi từ chiến trường Trung bộ khốc liệt từ 36 năm về trước, ông Nguyễn Xuân Sanh - hiện đang sống tại số nhà 73 - Trưng Nữ Vương, thành phố Đà Nẵng không khỏi bàng hoàng xúc động. Bước chân vào nhà của chủ nhân 2 lá thư trên, chúng tôi thấy người viết thư nay tóc đã bạc và “duyên kỳ ngộ” hơn khi người nhận thư cũng đang... ở đây, đó là cô Khánh “ngày xưa”.

Chiến sĩ Xuân Sanh nay đã bước sang tuổi 62, còn cô Khánh cũng đã vào tuổi 59. Thế mà cho đến tận bây giờ, cô Khánh mới nhận được lá thư tình của anh Xuân Sanh gửi cho mình cách đây 36 năm tròn.

Hành trình 36 năm của lá thư tình... ảnh 1
Vợ chồng ông Xuân Sanh và người con trai đầu năm 1975

Ông đọc thư, còn cô ngồi mỉm cười kể với tôi, rằng hồi đó hai người quen nhau chỉ trong thời gian ngắn khi chú lên trường Thể thao Quốc phòng (Xuân Mai, Hà Tây) học tập. Đó là vào năm 1962, được một thời gian thì chú được lệnh lên đường đi vào Nam chiến đấu, từ đó hai người xa nhau mãi đến năm 1974 mới gặp lại.

Trong suốt cả khoảng thời gian dằng dặc mười mấy năm xa cách, cô gái Hà Tây vẫn một lòng chờ đợi người trai Quảng Bình. Có lẽ thấu được nỗi lòng chờ đợi của người yêu ở hậu phương, nên trong thư chú Sanh có đoạn :“... tuy anh ở xa nhưng anh vẫn biết được các sinh hoạt của em ... anh ở xa nhưng có đồng chí anh ở gần em và cung cấp tình hình cho anh. Anh vẫn sống mạnh khoẻ công tác và chiến đấu tốt, ngày thống nhất anh sẽ trở về với em, nếu em không đợi được đến ngày ấy thì anh cũng không trách em đâu, em cứ suy nghĩ và hành động theo ý nghĩ của em...”.

Cô Khánh bồi hồi : “Những lá thư mà chú viết hầu như cô đều không nhận được, nhưng như có linh tính mách bảo hay sao ấy mà cô vẫn cứ hy vọng và chờ đợi ngày chú trở về. Trước lúc đi những kỷ vật quân trang mà chú để lại cô xem nó như là lời đính ước, vì thế cô tin vào ngày được đoàn tụ”.

Kèm với thư gửi cho người yêu là lá thư anh lính Xuân Sanh gửi cho người mẹ già với tâm trạng đầy day dứt của một đứa con chưa kịp trả nghĩa mẹ già: “... con chuẩn bị lên đường nhập ngũ, có những đêm con trằn trọc không ngủ, mẹ cũng thao thức vì con, rồi những ngày chia tay lại đến. Con còn nhớ mãi ngày ấy, mẹ đứng ở cổng Tỉnh Đội tiễn con mà hai hàng nước mắt mẹ cứ chảy ròng ròng, con không dám nhìn mẹ con sợ con lại không cầm được nước mắt, ngày ấy đến nay đã 4 năm mà con mãi không quên...”

Một mối tình thủy chung... cho hạnh phúc hôm nay

Là nữ VĐV bắn súng, khi còn học tại trường Thể thao Quốc phòng,  Nguyễn Thị Khánh đã cùng đoàn thể thao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự đại hội thể thao GANEPO ở Indonesia năm 1963.

Đến năm 1966, cô lại được chọn thi đấu tại đại hội thể thao GANEPO ở Camphuchia, và giành  HCB cá nhân, HCĐ đồng đội môn bắn súng. Nữ xạ thủ xinh đẹp ấy đã vinh dự được gặp  Quốc trưởng  N.Sihanouk, rồi lên trang nhất của một tờ báo nước bạn ...

Dày dạn trên sân tập, vững vàng bên bệ bắn, nhưng nơi trái tim của cô gái Hà Tây quê lụa mới ngoài đôi mươi đang tươi rói xuân xanh ấy, luôn chỉ mang hình bóng một người. “Cũng nhiều kỷ niệm trong quãng thời gian hơn chục năm chờ đợi ấy – cô Khánh tâm sự -  nhiều lúc hoàn cảnh xô đẩy, cứ nghĩ rằng không thể đợi nhau được nữa, nhưng mà duyên số nó vẫn cứ gắn chặt cô chú với nhau”.

Năm 1974, từ Xuân Mai xuống Nhổn (Hà Nội) công tác, một hôm có người báo “người yêu mày về rồi đấy !”, nhưng cô vẫn không tin, cứ tưởng người ta thấy mình đợi chờ năm này qua năm nọ nên đùa. Ai ngờ chú về thật! Hôm được gặp lại, nữ xạ thủ quốc gia ôm chầm người yêu khóc ròng, tưởng đang nằm mơ.

Ngày đó anh Xuân Sanh được gọi từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội học khoá huấn luyện dành cho cán bộ trung cao cấp của lực lượng đặc công để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Câu chuyện về những lá thư tình gửi ra từ chiến trường được nhắc lại, nhưng cũng chóng nguôi ngoai giữa niềm vui gặp mặt.

Anh lính Xuân Sanh cảm động đến nghẹn lòng, khi biết những lá thư đầy ắp thương yêu và khói súng của mình suốt hàng chục năm không hề đến được tay người yêu ở hậu phương, nhưng  người yêu vẫn kiên gan chờ đợi. Chỉ ít lâu sau, đúng ngày 2/9/1974, Bộ Tư lệnh đặc công đã tổ chức đám cưới cho hai người, một đám cưới giản dị nhưng trọn niềm vui và tràn đầy hạnh phúc.

Có kỷ niệm, đó là sau đám cưới, trộm đã “viếng thăm” đôi vợ chồng mới và “tiện tay” lấy luôn những tấm ảnh cưới, thế là bây giờ chẳng còn tấm ảnh nào để con cháu xem lại. Cưới xong, chưa kịp bén hơi, người vợ trẻ lại phải tiễn anh lính Xuân Sanh lên đường ra trận, khi đứa con trai trong bụng chưa kịp chào đời. Lại thêm những năm tháng thắt lòng  chờ đợi ...

Đất nước giải phóng, năm 1978, ông Xuân Sanh được điều vào công tác tại Sở TDTT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Theo chồng vào mảnh đất miền Trung, cô Khánh nghĩ rằng thôi thế thời binh đao đã hết, giờ đã đến hồi đoàn viên, chấm dứt cảnh đợi chờ.

Nhưng giống như cái “số”, cuối năm 1978, ông Xuân Sanh lại nhận lệnh lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế thêm 6 năm nữa. Đến tận năm 1984, ông ba lô trở về, lúc đó thì gia đình mới thật sự đoàn tụ sau bao năm chia cách.

“Thời gian đợi chờ xa cách cả thời chiến lẫn thời bình, tính ra có đến hai chục năm trời– anh lính Xuân Sanh ngày nào bây giờ đã là một ông lão phúc hậu cả cười nói vui với đám trẻ chúng tôi – Vậy mà tôi và bà ấy đâu có chịu “thua thiệt”, nếp tẻ gái trai đủ cả, và cũng đã đều thành đạt cả rồi !”. Năm 1990, ông nghỉ hưu với hàm trung tá, 3 năm sau đến lượt bà.Hiện nay cả hai vợ chồng đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và chi hội CCB của phường.

Trở lại hành trình của lá thư tình 36 năm về trước, người lính già Xuân Sanh bùi ngùi kể về người bạn đã hy sinh của mình. Chiến sĩ ấy tên  là Nguyễn Văn Sơn, quê Thái Thụy, Thái Bình. Hồi ấy đồng chí Sơn là lính của Đội Đặc công nước Đoàn 126 Hải quân, do thiếu uý Nguyễn Xuân Sanh làm Đội trưởng. Ký hiệu “354 Thanh Khiết” ở đầu thư là bí số riêng của thiếu uý Sanh (thư gửi thời chiến đều không ghi rõ địa chỉ người gửi, mà chỉ dùng ký hiệu – TG).

Khi ấy đơn vị đang đóng quân tại thôn 1, Điện Ngọc ( Điện Bàn- Quảng Nam), nhân dịp có đồng chí Sơn ra Bắc nên đội trưởng Xuân Sanh đã viết thư nhờ đồng đội mang ra giùm. Thư gửi đi mà chẳng thấy hồi âm, nên cũng chẳng biết được nó có tới tay người nhận hay không. Thời chiến, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Đâu ngờ lá thư tình ấy lại thấm máu của người đồng đội yêu qúi. Mãi đến tận  ngày giải phóng, ông Sanh mới biết trên đường ra Bắc, đồng chí Sơn đã hy sinh, và hai lá thư của mình đã rơi vào tay lính Mỹ. Để rồi 36 năm sau, ông mới tìm lại được nó, để nghẹn ngào đọc lại cho người yêu – người vợ  khi cả hai mái đầu đã bạc phai sương gió. Có một điều bấy lâu nay ông vẫn đau đáu trong lòng và trăn trở mãi, là đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ Sơn !  

Hai ông bà bảo nhờ bức thư mà có dịp kể lại chuyện này cho con cháu nghe về cái “thời xuân xanh” của ông Xuân Sanh. Còn tôi lại nghĩ: Đọc những lá thư chất chứa yêu thương và niềm tin vào tình yêu, tình mẫu tử ấy của người lính vô danh miền Bắc giữa chiến trường máu lửa gửi về quê nhà, có lẽ người Mỹ phần nào hiểu được đâu là cội nguồn cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc này. Hơn mọi lý luận, mọi chiến yếu lược chiến tranh, cội nguồn đó chỉ đơn giản với mấy chữ : Tình Yêu – Lòng Thủy Chung...

MỚI - NÓNG