Hành tím Sóc Trăng: Ðiệp khúc giải cứu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Giàu bên đống hành tím chưa bán được
Ông Trần Giàu bên đống hành tím chưa bán được
TP - Gần 51.000 tấn hành tím ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) còn tồn đọng khiến người dân ở “vương quốc” hành tím nổi tiếng miền Tây khóc ròng.

Nhà nhà tồn đọng hành tím

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt gặp hình ảnh những đống hành thương phẩm trước nhà hay ngoài đồng. Người dân thu hoạch từ Tết Nguyên đán đến nay không có người hỏi mua, hoặc mua với giá rẻ (3.000 - 5.000 đồng/kg) đành chất đống.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký ban hành công văn về việc vận động ủng hộ tiêu thụ hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động tất cả cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ số lượng hành tím còn tồn đọng ở địa phương này, không để hư hỏng, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân sản xuất hành tím.

Ông Trần Giàu ở ấp Giồng Nổi, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) có 0,4 ha thu hoạch gần 7 tấn hơn 2 tháng nay bán không được. Ông cho biết, từ trước đến giờ chưa năm nào khổ như năm nay, mấy năm trước giá có rẻ còn 7.000 -8.000 đồng/kg cũng có người mua, còn năm nay thì thua. Ông cho biết, chi phí đầu tư trên 40 triệu đồng, giờ không có tiền trả đại lý phân bón. Vì thế, 2 đứa con của ông lên Bình Dương làm thuê để gửi về giúp ông trả nợ. “Hai đứa đi gần 2 tháng nay, tôi kêu tụi nó tằn tiện gửi về 5 triệu đồng hàng tháng để trả nợ cho đại lý phân bón chứ không biết phải làm sao”, ông Giàu bộc bạch.

Cùng ấp Giồng Nổi, ông Lý Sà Lượng thu hoạch 0,3 ha được gần 7 tấn cũng không bán được. Một nửa ông gom đống để ngoài ruộng, còn một nửa thuê người dân bó lại rồi chất trong nhà để chờ được giá bán. Ông cho biết, 7 anh em ruột của ông trồng gần 2 ha, người nhiều nhất 0,8 ha, còn ít nhất 0,3 ha, tổng sản lượng trên 30 tấn, tuy nhiên đến giờ vẫn không bán được.

Theo nông dân trồng hành, hành tím thu hoạch xong không bán được để lâu ngày khô, héo, mất ký, thậm chí hư hỏng.

Ðâu là giải pháp

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, năm nay toàn thị xã trồng 5.312 ha, với sản lượng 103.244 tấn. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, tình hình tiêu thụ hành tím thương phẩm của của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn do giá hành tím thương phẩm giảm thấp dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, với giá này thì người nông dân bị lỗ khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, lượng hành tím còn tồn đọng trong dân khoảng 51.000 tấn.

Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên tình hình xuất khẩu gặp khó khăn; mặt khác hành tím Vĩnh Châu cũng chịu sự cạnh tranh từ hành tím nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc (3.000 đồng/kg) và một số địa phương khác có trồng hành tím cùng thời điểm thu hoạch.

Trước tình hình trên, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, cơ quan này đã có Công văn kiến nghị Sở Công Thương, UBND tỉnh có giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm hành tím thương phẩm; đồng thời, UBND thị xã tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức hỗ trợ tiêu thụ hành tím còn tồn đọng trong dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có lương hỗ trợ tiêu thụ mức thấp nhất 10kg, với mức giá hỗ trợ thấp nhất 15.000 đồng/kg. Ngoài ra còn kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài thị xã, các hộ kinh doanh cá thể hỗ trợ tiêu thụ hành tím còn tồn đọng trong dân, để giúp người dân trồng hành tím vượt qua khó khăn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.