Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, từ năm 2012 đến 2016, thanh tra Bộ KH&CN đã xử lý 146 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong cả nước, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng từ tiền phạt.
Cũng trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã xử phạt 98.904 vụ vi phạm về hàng giả, hàng được sản xuất do xâm phạm quyền SHTT, tổng tiền xử phạt khoảng 334 triệu đồng.
Trong số hàng ngàn vụ việc bị xử lý, không ít vụ việc liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp xe máy như: Giả mạo nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký không có sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu; Xâm phạm kiểu dáng công nghiệp; Xâm phạm sáng chế... Đáng chú ý, nổi lên tình trạng kiểu dáng xe máy có xuất xứ Trung Quốc xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam. Trong đó, các dòng xe Wave, Dream của Honda hay Best của Suzuki là đối tượng bị sao chép kiểu dáng với số lượng rất lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 9.730 phụ tùng xe máy các loại vi phạm SHTT. Đối với xe máy điện và xe chạy điện, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 733 vụ vi phạm, xử phạt 1,2 tỷ đồng.
”Đây là vấn đề nhức nhối bởi phụ tùng giả mạo với chất lượng kém sẽ đe dọa đến chất lượng của phương tiện và an toàn của người sử dụng”, ông Tín nhấn mạnh.
Ông Gianluca Fiume, đại diện Ban điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, đã kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam kiện toàn lại khung pháp lý với một số đề xuất như mở rộng đối tượng SHTT, nâng cao chế tài xử phạt hành chính…