Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng với hàng đóng gói sẵn như sữa, bánh kẹo, phân bón, rượu, bia, nước đóng chai. Kết quả, 100% các địa phương được thanh tra đều có cơ sở sản xuất hàng đóng gói vi phạm về đo lường.
Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thanh tra được thực hiện ở 62/63 tỉnh thành (Bắc Cạn không thực hiện) tại 2.867 cơ sở, gồm cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo, phân bón, khí đốt hóa lỏng, thức ăn chăn nuôi, rượu, bia, nước giải khát, sữa, sản phẩm từ sữa, mì chính, bột gia vị. Phát hiện 556 cơ sở có hành vi vi phạm (chiếm 19,5%), phạt 1,7 tỷ đồng.
Phổ biến nhất là vi phạm về đo lường. Ông Dũng cho hay, có tới 51% hành vi vi phạm trong đợt thanh tra này là vi phạm đo lường. Cụ thể, nhiều sản phẩm có khối lượng thấp hơn khối lượng ghi trên bao bì, nhiều hàng hóa không ghi lượng, ghi không đúng đơn vị đo. Hàng có vi phạm cao là rượu, bia, nước giải khát, nông sản và sản phẩm từ nông sản, bánh mứt kẹo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng, hành vi đóng gói khối lượng hàng thấp hơn khối lượng ghi trên bao bì là móc túi của người dùng. Trong khi, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói, đây là vấn đề gây lo lắng nhất sau đợt thanh tra này. Nhiều sản phẩm không đúng khối lượng, dung tích ghi ngoài bao bì. Thiệt hại lớn nhất thuộc về người tiêu dùng.
Về chất lượng, ở Nghệ An lấy 37 mẫu nước uống thì 22 mẫu không đạt yêu cầu, 24 mẫu phân bón thì 7 mẫu không đạt. Ở Quảng Ngãi phát hiện một mẫu nước giải khát và một mẫu nước yến không đạt yêu cầu. Ở Phú Yên 6/41 mẫu không đạt gồm một mẫu café, một mẫu bánh trung thu, một mẫu nước mắn và ba mẫu sản phẩm xử lý nước nuôi trồng thủy sản. Nhiều địa phương cũng phát hiện mẫu phân bón không đạt chuẩn như Bình Phước, Trà Vinh, Thanh Hóa.
Đánh giá về việc vi phạm liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của hàng đóng gói sẵn, ông Vũ Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường cho rằng, tỷ lệ 19,5% cơ sở vi phạm khi thanh tra là cao và “người tiêu dùng khó có thể chấp nhận con số đó”.
Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương hàng năm có kế hoạch kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng với hàng đóng gói sẵn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hùng Điệp, phải đặt ra mục tiêu cụ thể là đến 2020%, số lượng cơ sở vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng giảm xuống còn 10% (so với mức gần 20% hiện nay).