Nhiều quốc gia phải thay đổi kế hoạch đón năm mới vì Omicron. Ảnh: Reuters |
Vài tháng trước, khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng biện pháp phòng dịch vì đạt tỉ lệ tiêm chủng cao, nhiều người đã hy vọng về những cuộc tụ tập náo nhiệt dịp Giáng sinh và năm mới với niềm tin rằng đại dịch cuối cùng đã suy yếu.
Nhưng sự xuất hiện của Omicron - biến thể có khả năng lây lan cao - đã khiến chính phủ một số quốc gia phải khôi phục các quy định hạn chế đi lại, áp dụng lại quy định đeo khẩu trang và cấm tụ tập đông người.
Ngay cả khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng, thì các chuyên gia vẫn cảnh báo sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh ở nhiều quốc gia có thể khiến hệ thống y tế bị áp đảo.
Một số sự kiện đêm giao thừa đã bị huỷ bỏ ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Ý (nơi số ca mắc mới trung bình trong 14 ngày tăng 128%) và Pháp (nơi số ca bệnh tăng 48%), theo dữ liệu của Our World in Data.
Tại Mỹ, nơi số ca mắc mới hằng ngày tăng gấp đôi trong hai tuần qua, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khuyến cáo ngay cả những người đã được tiêm vắc xin cũng không nên tham dự các bữa tiệc đông người đêm giao thừa. “Sẽ có những năm khác để làm điều đó, nhưng không phải năm nay,” ông Fauci nói.
Tuần trước, Thị trưởng thành phố New York - Bill de Blasio thông báo giảm quy mô sự kiện đếm ngược ở Quảng trường Thời đại xuống còn nhiều nhất 15.000 khán giả, bằng 25% so với mức thông thường. Khách mời được phép vào quảng trường sớm nhất từ 15h, nhưng bắt buộc phải đeo khẩu trang và xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng.
Hãng tin Fox quyết định huỷ cầu truyền hình trực tiếp Toast & Roast 2022 từ Quảng trường Thời đại với lý do “sự lây lan của biến thể Omicron khiến đội ngũ sản xuất không thể đảm bảo chất lượng chương trình”.
Quảng trường Thời đại nhộn nhịp trước năm mới. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Sự kiện đếm ngược mừng năm mới ở Công viên Grand (Los Angeles) và màn trình diễn pháo hoa của Space Needle ở Seattle sẽ chuyển sang hình thức phát sóng trực tiếp.
Tại Anh, Thị trưởng London - Sadiq Khan tuần trước thông báo sự kiện giao thừa ở Quảng trường Trafalgar đã bị hủy bỏ vì "sự an toàn của người dân phải đặt lên hàng đầu".
Tại Pháp, chính quyền thủ đô Paris đã quyết định huỷ bỏ một số hoạt động bao gồm chương trình bắn pháo hoa trên đại lộ Champs-Élysées. Thủ tướng Jean Castex thông báo rằng các bữa tiệc công cộng lớn sẽ bị cấm vào đêm giao thừa.
Sự kiện bắn pháo hoa mừng năm mới 2020 ở Khải Hoàn Môn (đại lộ Champs-Élysées, Paris, Pháp). Ảnh: Reuters |
Tại Ý, các sự kiện đón giao thừa đã bị huỷ bỏ ở một số thành phố bao gồm Rome và Venice. Theo quy định hiện hành, các sự kiện ngoài trời đã bị cấm và các hộp đêm sẽ đóng cửa trong tháng 1.
Tại Đức, bữa tiệc đêm giao thừa hằng năm tại Cổng Brandenburg (Berlin) vẫn sẽ diễn ra nhưng không có khán giả. Các màn trình diễn sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình. Thủ tướng Olaf Scholz thông báo rằng các cuộc tụ họp được giới hạn tối đa 10 người bắt đầu từ ngày 28/12.
Pháo hoa mừng năm mới 2021 ở Cổng Brandenburg (Berlin). Ảnh: Reuters |
Tại Nhật Bản, Giao lộ Shibuya ở Tokyo thường thu hút hàng chục nghìn người đón giao thừa trong bữa tiệc mừng năm mới lớn nhất nhì thế giới. Nhưng năm nay, giống như năm ngoái, sự kiện đón năm mới ở Shibuya đã bị huỷ bỏ. Người dân bị cấm sử dụng đồ uống có cồn ở Shibuya trong hai ngày 31/12 và 1/1.
Tại Ấn Độ, chính quyền New Delhi đã cấm tất cả các hoạt động tụ tập, bao gồm cả lễ giáng sinh và năm mới. Các nhà hàng và quán bar chỉ được phép hoạt động một nửa công suất.
Tại Nam Phi - điểm nóng lây lan của biến thể Omicron, người dân thành phố Cape Town vẫn được tụ tập đón năm mới, nhưng chính quyền địa phương đã áp dụng một số biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 0h đến 4h sáng, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và đóng cửa các hộp đêm.
Tại Marốc, sự kiện đón giao thừa đã bị cấm tổ chức trên khắp cả nước, bao gồm cả ở Casablanca, thành phố đông dân nhất. Các nhà hàng sẽ phải đóng cửa lúc 23h30’, và lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ nửa đêm đến 6h sáng.
Tại Uganda, cơ quan an ninh thông báo sẽ cấm bắn pháo hoa đêm giao thừa trên toàn quốc, bao gồm cả ở thủ đô Kampala. Các hoạt động tôn giáo cũng sẽ bị cấm tổ chức vào ban đêm.