Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Kiến trúc. Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) tỏ ra băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc. Bà đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương có công trình xây dựng không đúng kiến trúc, vậy cơ quan nào sẽ xử lý và quy trình xử lý thế nào, nhất là với những công trình văn hóa?
Theo đại biểu Hoa, hiện cả nước có hàng chục nghìn công trình văn hóa có kiến trúc hơn 500 năm, nhưng khi bảo tồn có tuân thủ những kiến trúc xưa, có bảo tồn được những kiến trúc xưa không? Nếu vi phạm thì xử lý thế nào? Khắc phục tình trạng này, đại biểu đoàn Bắc Giang đề nghị quy định cụ thể để quản lý từ đô thị cho đến nông thôn.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) lưu ý, quan trọng nhất của quản lý kiến trúc là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó mới là mục tiêu chứ không phải chỉ là vấn đề quản lý.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) kỳ vọng, dự luật này phải làm sao không chồng chéo với Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, kể cả nhân tạo, tự nhiên, đồng thời phát huy được quyền tự do sáng tạo về mặt kiến trúc.
“Có những công trình, tòa nhà người này nói kiến trúc phản cảm, người khác lại thấy đẹp. Vậy có nên khôi phục lại văn phòng kiến trúc sư trưởng? Bởi đây là nơi xác định hồn của đô thị, xác định vùng nào bảo tồn, vùng nào phát triển”, ông Dũng đặt vấn đề.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP. HCM băn khoăn vì dự án luật chưa thể hiện được nét riêng, mang tính bản sắc, hồn đô thị của Việt Nam. Theo ông Tuấn, kiến trúc của Việt Nam vẫn dựa vào những công trình kiến trúc phương Tây, thể hiện rõ nhất ở Hà Nội, và TP.HCM.
Theo ông, nguyên nhân do giá trị văn hóa của Việt Nam không được lồng trong ý tưởng kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị. Ông Tuấn cho rằng, luật cần phải thiết kế lại điều khoản theo hướng: khu vực nào cần gìn giữ, trùng tu, khu vực nào cần phát triển.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) thì cho rằng, dự án luật đang nặng về hành chính khi đưa ra nhiều quy định thủ tục phiền hà và đề cập quá nhiều đến đạo đức nghề nghiệp. “Kiến trúc là sáng tạo, có những người vừa ra trường nhưng tính sáng tạo cao họ vẫn thiết kế ra các công trình đẹp. Nếu quy định cứng 3 năm mới được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không phù hợp với đặc thù lĩnh vực này”, ông cho hay.