Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng

Lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cùng xem một cây sâm Ngọc Linh tươi hơn 10 năm tuổi. Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp
Lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp cùng xem một cây sâm Ngọc Linh tươi hơn 10 năm tuổi. Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp
Sâm Ngọc Linh được Dược sĩ Đào Kim Long phát hiện ở độ cao 1.800m tại vùng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum vào năm 1973. Đây là một loại sâm quý hiếm, có tính đặc hữu hẹp miền Trung Việt Nam, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% ở núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Ngay từ những năm 1995 và giai đoạn 1997 - 2001, tỉnh Kon Tum đã chú trọng đến việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ năm 2004, tỉnh triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”, phát triển thành công vườn giống gốc sâm Ngọc Linh rộng 15 ha thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Đăk Tô.

Ngoài đầu tư của Nhà nước, thì doanh nghiệp tư nhân là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn nguồn gen, tạo vườn giống gốc để phát triển sâm Ngọc Linh, gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái vùng núi Ngọc Linh.

Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng ảnh 1

Quả sâm Ngọc Linh đã chín

Năm 1997, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum bắt đầu thu gom sâm Ngọc Linh của người dân các xã quanh vùng chân núi Ngọc Linh để sử dụng và gây trồng. Đến nay, Công ty đã tạo ra được một vườn giống sâm gốc quy mô lớn với tổng diện tích hơn 470 ha, hàng năm sản xuất hàng triệu cây giống phục vụ việc mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh trong vùng quy hoạch. Với kết quả nêu trên, có thể nói nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn bền vững, và vai trò của doanh nghiệp tư nhân là quan trọng.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về phát triển sâm Ngọc Linh, Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã thực hiện tốt mô hình liên kết với đồng bào tại chỗ, bằng nhiều cách hỗ trợ hết sức cụ thể và thiết thực, như: Trả lương, cung cấp lương thực, nơi ở cho người dân, cấp miễn phí cây sâm giống, đầu tư toàn bộ nguyên vật liệu để người dân tự trồng và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường; Phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tham gia dự án “Trồng sâm Ngọc Linh gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng”; Hỗ trợ đồng bào kinh phí trồng một số loại dược liệu và cây công nghiệp khác để lấy ngắn nuôi dài như: Đảng Sâm, Đương Quy, Cà phê xứ lạnh; Thành lập các tổ, đội, nhóm, hộ để quản lý vườn sâm, bảo vệ nghiêm ngặt nguồn giống thuần chủng cho sâm Ngọc Linh Kon Tum, tránh tình trạng nhổ sâm non đem bán, ảnh hưởng đến việc nhân giống và mở rộng diện tích sâm.

Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng ảnh 2

Vườn Sâm Ngọc Linh có lưới che dưới tán rừng trên núi Ngọc Linh

Qua đó, đời sống nhiều hộ dân được cải thiện rõ rệt, có công ăn việc làm ổn định, thu nhập tăng dần và thoát nghèo bền vững; Vườn giống gốc sâm Ngọc Linh được xây dựng và bảo vệ tốt, đảm bảo chất lượng. Mô hình liên kết này triển khai từ giai đoạn trước, đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp và tương đồng với các chính sách của Nhà nước như: Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định 57/2018/NĐ- CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ); Chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu (Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/05/2017 của Chính phủ)...

Ngoài việc ổn định trật tự địa phương, an sinh xã hội được cải thiện, người dân cũng đã có nhiều tiến bộ, tích cực giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, vì tính đặc hữu của sâm Ngọc Linh chỉ có thể phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% ở núi Ngọc Linh, độ cao từ 1.200m - 2.500m. Có thể khẳng định khi người dân tại chỗ được hưởng lợi trực tiếp từ rừng và môi trường rừng thì họ chính là lực lượng giữ rừng tốt nhất.

Để có được thành quả nêu trên, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương thì vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Chính sự nỗ lực, sáng tạo và tâm huyết với công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp là nhân tố quyết định, nhất là mô hình liên kết của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, vừa giữ được diện tích rừng tại khu vực núi Ngọc Linh, vừa duy trì, bảo vệ và phát triển được sâm Ngọc Linh, lại góp phần đáng kể cho công tác an sinh xã hội trên khu vực.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa loài cây “quốc bảo” sâm Ngọc Linh thành thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng đáng là “quốc kế dân sinh”, trong bối cảnh thế giới không ngừng gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sâm quý, lãnh đạo tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục mở cơ chế để các doanh nghiệp tích cực đi đầu trong lĩnh vực này có điều kiện đầu tư, nghiên cứu; Qua đó, xây dựng ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh theo chuỗi hàng hóa, tạo ra được các sản phẩm sâm Ngọc Linh chất lượng cao đủ phục vụ hàng triệu người tiêu dùng, tiếp cận tốt với thị trường trong nước và quốc tế ./.  

MỚI - NÓNG